Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD – Chronic Obstructive Lung Disease) là một bệnh phổ biến trên thế giới, có tỷ lệ mắc cao và xu hướng ngày càng gia tăng. Đây là bệnh không lây nhiễm nhưng lại là nguyên nhân dẫn đến tử vong đứng thứ 3 trên thế giới.
Hình ảnh: Bác sỹ phòng Quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính Bệnh viện 71 Trung ương hướng dẫn người bệnh về dinh dưỡng và sử dụng thuốc điều trị
Điều đáng ngại là không đi kiểm tra phát hiện sớm sẽ dẫn tới các bệnh tim mạch và sẽ đồng mắc với nhiều bệnh lý khác. Bệnh COPD hiện đang là gánh nặng lên sức khoẻ, kinh tế và xã hội. Để tránh các biến chứng nặng nề như : suy hô hấp mạn, tâm phế mạn, tràn khí màng phổi thậm chí tử vong chúng ta phải có các biện pháp dự phòng, điều trị một cách toàn diện, đều đặn cho tất cả các bệnh nhân COPD từ giai đoạn bệnh đang ổn định bằng các biện pháp sau:
1. Ngừng tiếp xúc với yếu tố nguy cơ
Ngừng tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào, bụi, khói bếp rơm, củi, than, khí độc…
2. Cai thuốc lá, thuốc lào
Hút thuốc là yếu tố nguy cơ chính của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Theo một số nghiên cứu, những người hút thuốc có nguy cơ mắc COPD cao hơn 10 lần so với những người không hút thuốc. Có tới 80-90% bệnh nhân COPD hút thuốc và gần 50% người hút thuốc lâu năm bị COPD. Hút thuốc lá thụ động cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Vì vậy, cách hiệu quả nhất để phòng ngừa COPD là nói không với hút thuốc lá (chủ động và thụ động).
Cai thuốc là biện pháp rất quan trọng ngăn chặn BPTNMT tiến triển nặng lên. Trong cai thuốc, việc tư vấn cho người bệnh đóng vai trò then chốt, các thuốc hỗ trợ cai giúp người bệnh cai thuốc lá dễ dàng hơn.
Chiến lược tư vấn người bệnh cai thuốc lá:
˗ Tìm hiểu lý do cản trở người bệnh cai thuốc: sợ cai thuốc thất bại, hội chứng cai gây khó chịu, mất đi niềm vui hút thuốc, căng thẳng,…
˗ Sử dụng lời khuyên 5A
+ Ask – Hỏi: xem tình trạng hút thuốc của người bệnh để có kế hoạch phù hợp.
+ Advise – Khuyên: đưa ra lời khuyên phù hợp và đủ sức thuyết phục người bệnh bỏ hút thuốc.
+ Assess – Đánh giá: xác định nhu cầu cai thuốc thực sự của người bệnh.
+ Assist – Hỗ trợ: giúp người bệnh xây dựng kế hoạch cai thuốc, tư vấn, hỗ trợ và chỉ định thuốc hỗ trợ cai nghiện thuốc nếu cần.
+ Arrange – Sắp xếp: có kế hoạch theo dõi, hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp để người bệnh cai được thuốc và tránh tái nghiện.
˗ Thuốc hỗ trợ cai thuốc: Việc dùng thuốc hỗ trợ cai thuốc lá giúp giảm nhẹ hội chứng cai thuốc và làm tăng tỷ lệ cai thuốc thành công. Các thuốc có thể chỉ định: nicotine thay thế, bupropion, varenicline.
+ Nicotine thay thế
• Chống chỉ định tương đối ở bệnh nhân tim mạch có nguy cơ cao (vừa mới bị nhồi máu cơ tim cấp).
• Các dạng thuốc: dạng xịt mũi, họng, viên ngậm, viên nhai, miếng dán da.
• Thời gian dùng thuốc tùy thuộc vào mức độ nghiện thuốc lá (mức độ phụ thuộc nicotine): thông thường từ 2-4 tháng, có thể kéo dài hơn.
• Tác dụng phụ: gây kích ứng da khi dán, khi uống có thể gây khô miệng, nấc, khó tiêu…
+ Bupropion: tác dụng tăng cường phóng thích noradrenergic và dopaminergic ở hệ thần kinh trung ương giúp làm giảm ham muốn hút thuốc.
• Không dùng cho bệnh nhân động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi ăn uống, dùng thuốc nhóm IMAO, đang điều trị cai nghiện rượu, suy gan nặng.
• Thời gian điều trị 7 – 9 tuần, có thể kéo dài 6 tháng.
• Liều cố định không vượt quá 300 mg/ngày: Tuần đầu: 150 mg/ngày uống buổi sáng; Từ tuần 2 – 9: 300mg/ngày chia 2 lần.
• Tác dụng phụ: mất ngủ, khô miệng, nhức đầu, kích động, co giật.
+ Varenicline có tác dụng giảm triệu chứng khi cai thuốc lá và giảm sảng khoái khi hút thuốc.
• Chống chỉ định tương đối khi suy thận nặng (thanh thải Creatinine 30ml/phút).
• Thời gian điều trị 12 tuần, có thể kéo dài đến 6 tháng.
• Liều điều trị:
o Ngày 1 đến 3: 0,5mg/ngày uống buổi sáng;
o Ngày 4 đến 7: 1mg/ngày chia 2 lần sáng-chiều;
o Tuần 2 đến 12: 2mg/ngày chia 2 lần sáng-chiều.
• Tác dụng phụ: buồn nôn, rối loạn giấc ngủ, ác mộng, trầm cảm, thay đổi hành vi.
3. Tuân thủ phác đồ điều trị ngoại trú, tái khám định kỳ để hạn chế nhập viện vì đợt cấp COPD, làm chậm tiến triển của bệnh
4. Tiêm vắc xin phòng nhiễm trùng đường hô hấp
˗ Nhiễm trùng đường hô hấp (cúm và viêm phổi…) là một trong các yếu tố nguy cơ gây đợt cấp BPTNMT. Việc tiêm phòng vắc xin có thể làm giảm các đợt cấp nặng và giảm tỷ lệ tử vong.
˗ Tiêm phòng vắc xin cúm vào đầu mùa thu và tiêm nhắc lại hàng năm cho các đối tượng mắc BPTNMT.
˗ Tiêm phòng vắc xin phế cầu mỗi 5 năm 1 lần và được khuyến cáo ở bệnh nhân mắc BPTNMT giai đoạn ổn định.
˗ WHO và CDC khuyến cáo tiêm phòng vắc xin SARS-Cov-2 (COVID-19) cho bệnh nhân BPTNMT (chứng cứ B). Ngoài ra, ở nhóm bệnh nhân không dung nạp vắc xin, mắc nhiều bệnh mạn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) hoặc suy giảm miễn dịch có thể được dự phòng trước phơi nhiễm COVID-19 bằng kháng thể đơn dòng.
˗ Bệnh nhân BPTNMT chưa tiêm vắc xin Tdap (bạch hầu – uốn ván – ho gà) lần nào thì tiêm phòng 1 mũi và nhắc lại sau mỗi 10 năm, còn với bệnh nhân đã tiêm vắc xin Tdap sẽ tiêm liều nhắc lại sau 10 năm tính từ liều đã tiêm.
5. Phục hồi chức năng hô hấp: giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh
6. Các điều trị khác
˗ Vệ sinh mũi họng thường xuyên.
˗ Giữ ấm cổ ngực về mùa lạnh.
˗ Phát hiện sớm và điều trị kịp thời các nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt.
Phát hiện và điều trị các bệnh đồng mắc
Người dân hãy đi khám bệnh định kỳ hoặc khi có bất cứ biểu hiện nào của bệnh để có thể kịp thời phát hiện và điều trị. Với nhiều năm kinh nghiệm thăm khám, điều trị chuyên sâu về các bệnh đường hô hấp cùng đội ngũ y bác sỹ giàu kinh nghiệm trong đó có bệnh COPD thì Bệnh viện 71 trung ương luôn là địa chỉ để người dân gửi gắm niềm tin. Tại đây, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chăm sóc và điều trị bệnh nhân bằng tất cả tâm sức và trí tuệ để xứng đáng là thầy thuốc của Nhân dân.
0 Lời bình