Bệnh tăng huyết áp thường không có triệu chứng cảnh báo trước, nhiều người không biết mình bị bệnh. Tuy nhiên, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim…
Bệnh tăng huyết áp đang trở nên phổ biến và ngày càng gia tăng trên thế giới và ở Việt Nam. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị tăng huyết áp, kể cả trẻ em và người trẻ tuổi. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới mắc bệnh tăng huyết áp. Trong đó, hàng năm có khoảng 9,4 triệu người tử vong do tăng huyết áp.
Tại Việt Nam, có khoảng 12 triệu người mắc tăng huyết áp, tỷ lệ người dân chưa được phát hiện bệnh hoặc đã phát hiện nhưng chưa kiểm soát được bệnh còn tương đối cao.
Chia sẻ tại hội thảo Quản lý tăng huyết áp diễn ra ngày 22/5, GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim Mạch Học Việt Nam, Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam, cho biết: “Tăng huyết áp là vấn đề rất phổ biến trong cộng đồng, mỗi người trong chúng ta đều có thể là ứng viên của căn bệnh này”.
GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim Mạch Học Việt Nam, Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam (Ảnh: nguồn Dân trí)
Tuy không phải là bệnh lây nhiễm nhưng những biến chứng liên quan tổn thương cơ quan đích do tăng huyết áp gây ra như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp, giảm thị lực, suy thận không thể coi thường. Ngoài ra, tăng huyết áp cũng tạo gánh nặng, gây giảm năng suất lao động và dân số lao động tiềm năng, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế
Tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người” thầm lặng vì chúng thường không có những biểu hiện hay triệu chứng cảnh báo trước và thậm chí có người còn không biết mình bị bệnh. Vì thế, bên cạnh vai trò của các bác sĩ thì hiện nay dược sĩ, điều dưỡng đang được quan tâm, có vai trò phối hợp đáng kể trong việc cùng các bác sĩ giúp người dân tăng cường nhận thức, đảm bảo sự tuân thủ điều trị tốt nhất nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Để đối mặt với những thách thức và nhu cầu chưa được khám phát hiện và điều trị của người dân sinh sống trên địa bàn các xã/phường xung quanh, Bệnh viện 71 Trung ương từ lâu đã triển khai các phòng khám, quản lý điều trị các bệnh mạn tính không lây nhiễm như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, ….Tại đây người bệnh được đo huyết áp theo tiêu chuẩn quốc tế, người bệnh được hướng dẫn quản lý tăng huyết áp, cấp thuốc điều trị hàng tháng, tư vấn chế độ ăn uống, dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp với từng người bệnh, nhằm cá thể hóa mục tiêu điều trị.
Sau khi đo huyết áp, các bác sĩ chuyên khoa không chỉ tư vấn, đưa lời khuyên chăm sóc sức khỏe mà còn hướng dẫn chi tiết cho người dân về cách tự đo huyết áp tại nhà. Điều này giúp tạo ra sự chủ động chăm sóc sức khỏe hàng ngày, đóng góp vào công tác quản lý và giảm nguy cơ tăng huyết áp, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cho người dân.
0 Lời bình