1. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì? Nguyên nhân chính gây bệnh?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic obstructive pulmonary disease – COPD) là tình trạng bệnh lý biểu hiện bằng triệu chứng hô hấp mạn tính và tắc nghẽn lưu thông không khí không hồi phục hoàn toàn. Nền tảng bệnh học COPD là viêm mạn tính, phá huỷ và biến đổi cấu trúc phế quản – phổi có khuynh hướng tiến triển, liên quan tới các chất kích thích hô hấp (irritants), đặc biệt là khói thuốc lá.
Quá trình viêm mạn tính ở phổi có liên quan đến nhiều loại tế bào, trong đó quan trọng là các đại thực bào, bạch cầu đa nhân trung tính, T lympho CD8+. Quá trình viêm có thể để lại hậu quả phá huỷ cấu trúc, làm thu hẹp đường dẫn khí, đặc biệt là đường dẫn khí nhỏ, phá huỷ nhu mô phổi.
– Nguyên nhân gây bệnh chính: ô nhiễm không khí, đặc biệt là thuốc lá trong một thời gian dài.
2.Triệu chứng lâm sàng?
COPD nói chung khởi bệnh âm thầm và diễn biến chậm. Các triệu chứng cơ năng mà bệnh nhân có thể gặp phải như:
- Ho: ho thường về sáng khi thức dậy, khi gắng sức, có thể kèm theo đờm hoặc không. Ho tăng về mùa lạnh và trong các đợt nhiễm trùng hô hấp. Theo thời gian ho sẽ nhiều lên, lúc đầu thưa, sau trở nên liên tục, các cơn ho kéo dài có thể khiến bệnh nhân khó thở.
- Khạc đờm: thường lúc đầu là dịch nhày, lượng ít. Đờm thường là quánh dính, sec có dạng xanh hoặc đục trong các đợt cấp do nhiễm trùng. Nếu bệnh nhân khạc nhiều đờm và liên tục cần nghĩ đến giãn phế quản
- Khó thở: là cảm nhận bất thường khi thở, cảm giác cần phải cố gắng hít thở và thiếu không khí. Triệu chứng này xuất hiện âm thầm và tăng dần, triệu chứng nặng vào các đợt cấp. Đây là lý do chính khiến bệnh nhân đến khám và phải dùng thuốc.
- Cảm giác nặng ngực và tiếng thở rít: cảm giác tức nặng ngực có thể do hiện tượng tăng áp lực trong lồng ngực, tăng kháng trở đường thở. Tiếng thở rít hoặc khò khè thường thấy trong các đợt cấp.
- Các triệu chứng khác: ở giai đoạn nặng có thể thấy các triệu chứng của suy tim phải (tâm phế mạn), suy mòn
3. Người bệnh cần nghĩ đến COPD khi:
- Ho mạn tính: thường liên tục trong ngày
- Khạc đờm mạn tính
- Có những đợt viêm phế quản tái diễn
- Khó thở: tồn tại liên tục, tiến triển nặng dần theo thời gian, tăng lên khi gắng sức và sau mỗi đợt nhiễm khuẩn hô hấp
- Tiền sử hút thuốc lá, thuốc và hay sống trong môi trường ô nhiễm không khí
4. Chẩn đoán COPD như thế nào?:
– Đo chức năng hô hấp là xét nghiệm để chẩn đoán xác định, đây cũng là cơ sở để phân loại mức độ nặng và theo dõi bệnh.
Chỉ số FEV1: thể tích khí thở ra tối đa trong một giây đầu tiên (Forced expiratory volume in one second)
Chỉ số FVC: Dung tích sống gắng sức (Forced vital capacity)
– Các bệnh nhân COPD điển hình đều có biểu hiện giảm tỷ lệ FEV1/FVC và giảm FEV1 do dưới tác động của quá trình viêm mạn tính, phá huỷ và biến đổi cấu trúc đường dẫn khí khiến đường thở bị thu hẹp, xẹp các các phế quản nhỏ, giảm đàn hồi phổi do khí phế thũng.
Đo chức năng hô hấp là xét nghiệm để chẩn đoán xác định
– Một số cận lâm sàng cần thiết để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị:
- X-quang ngực: là xét nghiệm cơ bản trong COPD giúp khẳng định thêm chẩn đoán, giúp loại trừ các bệnh khác có cùng triệu chứng hô hấp, giúp chẩn đoán biến chứng của COPD. Triệu chứng trên X-quang ngực thường chỉ thể hiện rõ ở giai đoạn muộn.
- CT scan ngực: CT scan cung cấp nhiều thông tin là CT có độ phân giải cao (lớp cắt mỏng 1-2 mm). Hình ảnh cho phép xác định tính chất căng giãn của các phế nang trong khí phế thủng, mô kẽ, các mạch máu, cũng như hình phế quản. Bằng CT độ phân giải cao có thể định lượng mức độ khí phế thủng, độ dày thành phế quản nặng hay nhẹ.
- Siêu âm tim: trên siêu âm tim có thể thấy các biểu hiện như dày thất phải, giãn buồng thất phải, tăng áp động mạch phổi…
- Điện tâm đồ: có thể có các dấu hiệu như dày thất phải, block nhánh…
Chẩn đoán phân biệt:
- Hen phế quản: khởi bệnh sớm, thường từ lúc còn nhỏ; triệu chứng thay đổi hàng ngày, có thể nặng lên ngay khi tiếp xúc dị nguyên; triệu chứng thường xuất hiện hay nặng lên vào ban đêm hoặc rạng sáng, bệnh nhân có các biểu hiện dị ứng: chàm, viêm mũi, kết mạc; gia đình có người bị hen; triệu chứng đáp ứng tốt với thuốc giãn phế quản.
- Giãn phế quản: ho, khạc đờm nhiều, đờm đục hay mủ, thường kết hợp với các đợt nhiễm khuẩn; ral ẩm – nổ tồn tại dai dẳng; X-quang, CT có hình ảnh giãn phế quản.
- Lao phổi: khởi bệnh ở tất cả các lứa tuổi, có tính chất dịch tễ; có thể ho ra máu, sốt nhẹ về chiều; X-quang là hình thâm nhiễm hoặc tổn tương nốt, xét nghiệm vi sinh có bằng chứng của trực khuẩn lao.
- Suy tim sung huyết: tiền sử mắc bệnh huyết áp, tim mạch; nghe phổi có ral ẩm ở đáy; trên X-quang có hình ảnh bóng tim to và phổi ứ huyết. Đợt cấp của COPD cũng cần phân biệt với cơn hen tim.
5. Điều trị COPD
– Điều trị giai đoạn ổn định
Bệnh nhân cần được thăm khám và đánh giá kỹ lưỡng, việc phân nhóm bệnh nhân theo triệu chứng khó thở và số đợt cấp là rất cần thiết để lựa chọn lựa chọn phác đồ khởi đầu. Trị liệu bằng thuốc dạng phun hít là nền tảng trong điều trị COPD và cần điều chỉnh phác đồ theo đáp ứng cũng như diễn biến của bệnh nhân trong quá trình điều trị.
– Điều trị đợt cấp:
Đợt cấp COPD là tình trạng thay đổi cấp tính, tăng nặng của các triệu chứng: khó thở, ho, khạc đờm tăng hoặc thay đổi màu sắc đờm.
Quyết định nơi điều trị bệnh nhân có đợt cấp COPD phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là độ nặng của đợt cấp, tiếp theo là bệnh đồng mắc của bệnh nhân, điều kiện chăm sóc tại nhà hoặc tại bệnh viện, khoảng cách từ nhà bệnh nhân đến bệnh viện…
Tài liệu tham khảo:
1. Bệnh học nội khoa trường Đại học Y Hà Nội. NXB Y học 2022
2. Thực hành Nội khoa bệnh phổi. NXB Y học 2022
3. Global Intiative for Chronic Obstructive Lung Diasese (COPD) 2022. www.goldcopd.org
0 Lời bình