Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính – BPTNMT (COPD – Chronic Obstructive Pulmonary Disease) là căn bệnh nguy hiểm, diễn biến âm thầm, tiến triển nặng dần và chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu người bệnh tuân thủ điều trị thì có thể kiểm soát hoàn toàn căn bệnh này, đồng thời sống và làm việc như người bình thường.
1. BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH LÀ GÌ ?
Theo tổ chức Y tế thế giới, BPTNMT là nguyên nhân gây tử vong thứ 3, với 3,2 triệu ca tử vong năm 2019 và là nguyên nhân thứ 7 gây ra tình trạng sức khoẻ kém trên toàn thế giới.
BPTNMT là bệnh lý không đồng nhất, đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp mạn tính (khó thở, ho, khạc đờm) và các đợt cấp do tình trạng bất thường của đường thở (viêm phế quản, viêm tiểu phế quản) và/hoặc phế nang (khí phế thũng) gây ra tắc nghẽn đường thở dai dẳng và tiến triển .
Có hai dạng BPTNMT bao gồm:
- Khí phế thũng: gây ra tình trạng khó thở bởi sự phá huỷ các túi khí nhỏ ở cuối đường dẫn khí trong phổi, làm giảm diện tích bề mặt phổi.
- Viêm phế quản mãn tính: là tình trạng ho mãn tính có đờm do viêm ở đường thở. Cụ thể là lớp niêm mạc của các ống phế quản bị viêm gây ra các chất nhầy làm hẹp đường thở.
Cơ chế hình thành bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
2. NGUYÊN NHÂN GÂY RA COPD ?
Nguyên nhân của BPTNMT đầu tiên và phổ biến nhất chính là hút thuốc lá hoặc thuốc lào. Theo các nghiên cứu y khoa, tỷ lệ người mắc bệnh COPD do hút thuốc lá cao hơn hẳn so với nhóm bệnh khác. Khoảng 20-30% số người hút trên 20 điếu thuốc lá mỗi ngày sẽ có các triệu chứng sớm hoặc muộn của COPD. Phần lớn bệnh COPD bắt đầu xuất hiện trên 35 tuổi và khoảng 80 – 90% người nghiện thuốc lá đều được chẩn đoán mãn tính.
Hút thuốc lá làm tăng nhanh tốc độ suy giảm chức năng phổi, người bệnh dễ bị những cơn kịch phát cấp hơn, đáp ứng với thuốc điều trị kém đi. Khói thuốc lá và các chất độc hại hít vào phổi sẽ gây ra viêm bất thường trong phổi và toàn bộ cơ thể.
Tuy nhiên, vẫn có những bằng chứng từ các nghiên cứu chỉ ra rằng người không hút thuốc lá vẫn có thể mắc COPD. Một số nguyên nhân khác có thể gây ra bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính:
- Tiếp xúc với môi trường sống, môi trường làm việc bị ô nhiễm, nhiều khói bụi độc hại.
- Tiền sử mắc các bệnh đường hô hấp như: hen suyễn, viêm phế quản cấp, bệnh lao…
- Người bị suy giảm miễn dịch, mắc các bệnh lý nhiễm trùng,…
- Yếu tố di truyền: Thiếu men Alpha 1-Antitrypsin là yếu tố gây khí phế thũng ở người hút thuốc lá và tăng cao ở người không hút thuốc lá.
- Tuổi tác: Người càng lớn tuổi càng dễ mắc COPD.
- Khi đã mắc COPD, nền viêm mạn tính đường thở không hồi phục, các đợt cấp COPD sẽ thường xuyên xuất hiện. Nguyên nhân của đợt cấp COPD bắt nguồn từ các tác nhân:
- Nhiễm trùng: Nhiễm vi khuẩn là tác nhân chính (40 – 50%), tiếp đến virus với khoảng 30% và vi khuẩn không điển hình chiếm từ 5 – 10%.
- Không nhiễm trùng: Có thể do suy tim nặng lên, loạn nhịp tim, tắc mạch phổi, tràn khí màng phổi; Điều trị oxy, dùng thuốc ngủ, an thần, lợi tiểu không đúng hoặc có các bệnh chuyển hóa phối hợp (tiểu đường, gout…), dinh dưỡng kém,…
3. TRIỆU CHỨNG CỦA BPTNMT ?
Các triệu chứng phổ biến nhất của BPTNMT là:
- Khó thở, đặc biệt khi người bệnh hoạt động
- Ho khan dai giẳng và có đờm
- Nhiễm trùng hô hấp thường xuyên
Nếu không điều trị kịp thời, các triệu chứng của bệnh sẽ tiến triển nặng hơn. Có những giai đoạn bệnh trở nên tồi tệ hơn, được gọi là đợt cấp.
4. ĐIỀU TRỊ BPTNMT NHƯ THẾ NÀO?
BPTNMT không thể chữa khỏi hoàn toàn, do phổi (bao gồm đường dẫn khí và nhu mô) đã bị tổn thương vĩnh viễn. Tuy nhiên, việc điều trị có thể làm chậm tiến triển của tình trạng này. Phương pháp điều trị bao gồm:
- Ngưng tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như khói thuốc lá, thuốc lào, bụi, khói bếp, khí độc,…
- Tiêm vacxin phòng nhiễm trùng đường hô hấp
- Sử dụng các loại thuốc điều trị như: thuốc giãn phế quản, corticoid, kháng sinh; các loại thuốc hỗ trợ long đờm, điều trị bệnh đồng mắc,…
- Thở oxy, thở máy khi tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
- Phục hồi chức năng phổi
Hình ảnh: Sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân mắc BPTNMT tại phòng Quản lý BPTNMT- Bệnh viện 71 Trung ương
BPTNMT được coi là “sát thủ vô hình” bởi bệnh tiến triển thầm lặng, nhiều người không nhận ra mình bị bệnh, các vấn đề về hô hấp có xu hướng trở nên trầm trọng hơn theo thời gian và chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Căn bệnh này cần được chẩn đoán phân biệt với một số bệnh như hen phế quản, lao phổi, giãn phế quản, suy tim ứ huyết, viêm toàn tiểu phế quản lan toả,…Chính vì vậy, người dân khi có các triệu chứng như khó thở, ho mạn tính kèm theo đờm cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Bệnh viện 71 trung ương là cơ sở chuyên sâu và là địa chỉ tin cậy cho người dân thăm khám và điều trị các bệnh lý hô hấp, trong đó có BPTNMT. Với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị y tế hiện đại, sẽ mang lại chẩn đoán chính xác và kết quả điều trị tối ưu cho người bệnh
Khách hàng có thể trực tiếp đến bệnh viện để thăm khám hoặc liên hệ hotline: 02373208018 để được hỗ trợ.
Để tìm hiểu thêm về hoạt động bệnh viện, khách hàng có thể truy cập:
Fanpage: https://www.facebook.com/benhvien71tw.vn
Website: https://www.benhvien71tw.vn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Y tế, Quyết định số 2767/QĐ-BYT ngày 04/7/2023 về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính”
2. WHO, Chronic obstructive pulmonary disease (COPD)
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/chronic-obstructive-pulmonary-disease-(copd)
0 Lời bình