SKĐS – Thuốc khí dung corticosteroid là lựa chọn hàng đầu trong điều trị và kiểm soát hen phế quản. Tuy không gây độc toàn thân nhưng vẫn cần thận trọng những tác dụng phụ không mong muốn của thuốc có thể xảy ra.
1. Tác dụng của thuốc khí dung corticosteroid trong điều trị hen phế quản
Hen phế quản xảy ra do tình trạng co thắt đường thở, thường liên quan với cơ địa dị ứng của từng cá thể người bệnh. Do đó, bên cạnh các thuốc giãn phế quản, người bệnh cần được sử dụng thuốc khí dung corticosteroid (inhaled corticosteroids, còn gọi là ICS) để kiểm soát cơn hen.
Thuốc có tác dụng tại chỗ rất mạnh làm giảm kích thích ở mũi, phế quản và tiểu phế quản nên giảm co thắt, giảm tiết dịch, giảm viêm và làm thông đường hô hấp. Hiện trên thị trường thuốc có khá nhiều loại thuốc khí dung corticosteroid.
Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm thuốc fluticasone (flovent HFA, arnuity ellipta), budesonide (pulmicort flexhaler), mometasone (asmanex twisthaler), beclomethasone (qvar rediHaler), ciclesonide (alvesco)…
Thuốc corticosteroid dạng khí dung là lựa chọn hàng đầu trong điều trị và kiểm soát hen phế quản.
2. Cách sử dụng thuốc khí dung corticosteroid
Thuốc khí dung corticosteroid phổ biến dùng cho bệnh hen suyễn là dạng ống hít định liều hay máy phun khí dung. Thuốc có ưu điểm là được đưa trực tiếp vào đường hô hấp, tăng hiệu quả điều trị và giảm tác dụng phụ. Cách sử dụng thuốc dạng hít hay khí dung cần được thầy thuốc hướng dẫn cụ thể cho người bệnh. Người bệnh cần thực hành đúng theo hướng dẫn của bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để dùng thuốc cho đúng.
– Ống hít định liều: Là thiết bị phun hít cầm tay dùng lực đẩy để phun ra 1 lượng thuốc nhất định phân bố đến đường hô hấp. Ống hít định liều dễ mang theo, khả năng phân bố đa liều, ít nguy cơ nhiễm khuẩn. Nhược điểm là cần sự khởi động chính xác và phối hợp tốt giữa động tác xịt thuốc ra với hít vào.
– Máy khí dung: Máy chuyển đổi thuốc dạng lỏng thành các hạt mịn. Một liều dung dịch được đổ vào máy khí dung trước mỗi lần sử dụng. Người điều trị sẽ được hít vào bằng mặt nạ (hay ống ngậm) đặt trên mũi và miệng. Bệnh nhân không cần thở sâu chỉ cần thở bình tĩnh để hít thuốc.
Khi sử dụng, người bệnh cần hiểu rõ cách vận hành máy phun khí dung và cách vệ sinh máy đúng cách để ngăn ngừa nhiễm trùng. Máy phun khí dung có nhiều mức độ phun khác nhau, do đó người bệnh hãy kiểm tra xem cường độ phun có đủ hay không.
Khí dung có thể được sử dụng cho trẻ nhỏ hoặc chưa có kinh nghiệm sử dụng ống hít và người lớn hoặc trẻ em khó thở và gặp khó khăn khi sử dụng ống hít định liều. Cha mẹ hoặc người có trách nhiệm nên giám sát trẻ khi đang sử dụng máy này.
Bệnh nhân cần lưu ý, phải sử dụng thuốc vào một thời điểm nhất định mỗi ngày. Không được tự ý tăng liều, sử dụng nhiều lần hơn hoặc ngừng sử dụng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
Sử dụng thuốc corticosteroid dạng hít hay phun sương cần được thầy thuốc hướng dẫn cụ thể.
3. Nhận biết các tác dụng phụ của thuốc khí dung corticosteroid
Thuốc khí dung corticosteroid ít có nguy cơ bị tác dụng phụ nghiêm trọng hơn so với dạng viên. Tác dụng phụ chủ yếu là cục bộ và không nghiêm trọng mặc dù đôi khi gây khó chịu, bao gồm: Khô rát cổ họng, khô miệng, khàn giọng, thay đổi giọng nói, có vị khó chịu trong miệng, chảy nước mũi hoặc chảy máu cam…
Sử dụng thuốc khí dung trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng nhiễm nấm miệng. Để ngăn ngừa, người bệnh hãy súc miệng bằng nước sạch sau mỗi lần sử dụng. Ngoài ra, rửa mặt và vùng da đeo mặt nạ để ngăn chặn kích ứng da.
Nếu các tác dụng phụ của thuốc khí dung kéo dài hoặc có xu hướng tăng nặng lên, người bệnh hãy thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ ngay lập tức.
Hiếm gặp hơn và trong trường hợp sử dụng kéo dài với liều cao, corticosteroid dạng hít có thể gây nguy cơ đẩy nhanh quá trình khử khoáng của xương (loãng xương), khiến da mỏng (thúc đẩy sự xuất hiện của vết bầm tím) hoặc chậm phát triển ở trẻ em
Thuốc khí dung corticosteroid hoạt động bằng cách ức chế hệ thống miễn dịch nên có khả năng làm giảm khả năng cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng. Điều này có thể khiến bệnh nhân tăng nguy cơ mắc các nhiễm trùng hoặc làm nặng thêm các bệnh nhiễm trùng hiện mắc. Nhanh chóng thông báo cho bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào (như đau tai, đau họng, sốt, ớn lạnh).
Tình trạng dị ứng thuốc khí dung nghiêm trọng hiếm khi xảy ra. Nếu các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng như phát ban, sưng ngứa các bộ phận, chóng mặt, khó thở… cần gọi ngay cho bác sĩ để được trợ giúp.
Ths. Lê Quốc Thịnh
Trưởng khoa Dược – Bệnh viện 71 TW
0 Lời bình