Hiện nay có rất nhiều loại thuốc viên có dạng bào chế mới không đơn giản chỉ dùng để uống qua đường tiêu hóa. Do đó, cần chú ý các dạng bào chế mới của viên thuốc truyền thống.
Dạng bào chế thuốc là hình thức trình bày đặc biệt của dược chất để đưa dược chất vào cơ thể một cách thuận tiện nhất cho người sử dụng. Dạng thuốc được bào chế để phát huy tối đa hiệu lực chữa bệnh, tiện lợi trong sử dụng và bảo quản. Trên thị trường thuốc viên hiện nay có rất nhiều dạng thuốc như: Viên nang, viên nén, viên bao, viên ngậm, viên đặt dưới lưỡi, viên sủi, viên nhai, viên tác dụng kéo dài, viên đặt âm đạo… Qua đó, khi sử dụng bất cứ loại thuốc viên nào, cũng cần lưu ý đọc kỹ tờ hướng dẫn hoặc lời dặn của thầy thuốc để sử dụng đúng cách, phù hợp với dạng thuốc được chỉ định.
Ảnh minh họa
Viên nén là dạng thuốc viên phổ biến nhất và có nhiều hình dạng, kích thước khác nhau có thể được điều chế bằng cách nén một hay nhiều dược chất. Mỗi viên nén là một đơn vị liều, do đó rất dễ sử dụng, dễ vận chuyển và dễ bảo quản. Cách sử dụng tốt nhất là nên uống với nhiều nước (nước đun sôi để nguội, khoảng 150ml). Tuy nhiên, viên nén có nhược điểm là tác dụng chậm hơn thuốc tiêm, khó uống đối với trẻ em, người lớn tuổi, người đang bị hôn mê…
Các nhà sản xuất dược phẩm có thêm một dạng viên nén đã được bao bọc bằng một lớp bao đặc biệt, gọi là viên bao. Viên bao là dạng thuốc ở dạng viên nén được bao thêm một lớp màng thích hợp, nhằm mục đích che giấu mùi vị khó chịu của dược chất, tránh được các tác động bên ngoài, bảo vệ thuốc không bị dịch vị phá huỷ, hay kiểm soát sự giải phóng dược chất (giúp giải phóng thuốc chậm).
Một số viên nén đặc biệt kéo dài tác dụng hoặc tránh phá hủy thuốc như: Viên giải phóng chậm, giải phóng kéo dài, viên trì hoãn giải phóng, viên bao tan trong ruột, viên bao có kiểm soát giải phóng…
Một số viên nén có kỹ thuật bào chế rất hiện đại để kiểm soát tốc độ giải phóng hoạt chất gồm các dạng chính sau:
– Viên phóng thích hoạt chất tức thời (viên quy ước) gồm các viên uống thông thường, tan trong dạ dày, viên ngậm, đặt dưới lưỡi, nhai, viên sủi… Các viên này giải phóng nhanh và hoàn toàn sau khi uống hoặc được hòa tan rồi uống, vì thế thời gian tác dụng thường ngắn (4-8 giờ).
– Viên phóng thích hoạt chất trễ là viên không giải phóng ngay, mà đến một thời điểm hoặc vị trí nào đó viên mới bắt đầu giải phóng và tốc độ giải phóng nhanh như viên quy ước, tiêu biểu cho nhóm này là viên bao tan trong ruột sử dụng cho thuốc kém bền với acid dịch dạ dày, nên cần được bảo vệ bằng màng bao, khi xuống đến ruột non mới bắt đầu giải phóng hoạt chất.
– Viên phóng thích hoạt chất biến đổi gồm các viên giải phóng kéo dài (thời gian tác dụng tối thiểu phải gấp đôi viên quy ước) thường sử dụng các tá dược khác kéo dài thời gian giải phóng dược chất, có thể kết hợp phóng thích chậm với phần liều duy trì và phóng thích nhanh với liều khởi đầu hoặc giải phóng theo đợt.
Khi sử dụng, tùy theo từng thuốc, cần phải xem kỹ hướng dẫn để không được làm biến dạng viên thuốc trước khi uống (không nhai, bẻ, nghiền…). Điều này cần nhắc nhở người bệnh hoặc người nhà để giúp bệnh nhân sử dụng thuốc đúng cách.
Viên tác dụng kéo dài thường chứa lượng dược chất cao hơn bình thường và giải phóng từ từ lượng dược chất này trong đường tiêu hoá để kéo dài tác dụng của thuốc, giảm số lần sử dụng thuốc. Sinh khả dụng của dạng thuốc này phụ thuộc nhiều vào thời gian lưu trú tại dạ dày, vì nếu thuốc nằm tại dạ dày lâu quá thì vỏ bao sẽ rã ngay dưới tác dụng của dịch vị. Do đó, để đảm bảo tác dụng của thuốc, nên uống xa bữa ăn, trừ những thuốc kích ứng dạ dày.
Viên nang hay viên con nhộng là dạng thuốc rắn hay mềm được phân liều chính xác và được bào chế dưới dạng thích hợp (dung dịch, bột, hạt) đựng trong vỏ nang làm bằng gelatin hay tinh bột. Với dạng bào chế này, thuốc có thể che giấu được mùi vị khó chịu, làm cho thuốc dễ uống, tránh được các tác động bên ngoài, bảo vệ thuốc không bị dịch vị phá huỷ. Vì vậy, không nên nhai để tránh làm hỏng vỏ nang, không tách bỏ vỏ nang để lấy phần dược chất bên trong để uống.
Riêng đối với người lớn tuổi, phản xạ nuốt có thể giảm và có hiện tượng giảm tiết, nên khi uống, ngậm viên thuốc trong miệng để làm mềm vỏ nang rồi nuốt với nước nhằm tránh hiện tượng thuốc dính ở thực quản. Nên uống thuốc ở tư thế đứng, với một cốc nước khoảng 150-200ml để tạo một dung môi trong dạ dày giúp viên thuốc nhanh chóng được tan ra.
Để giúp người bệnh dễ uống, hiện nay có khá nhiều dạng thuốc viên đưa ra thị trường với dạng viên sủi bọt, là một trong những dạng viên pha dung dịch hay hỗn dịch với sự giải phóng khí (CO2 hoặc O2) dùng để uống hoặc dùng ngoài nhằm tăng sinh khả dụng. Viên sủi thích hợp cho những người khó nuốt viên nén, giảm kích ứng niêm mạc cho một số dược chất, tăng sinh khả dụng của thuốc và phù hợp với người cao tuổi hoặc trẻ em.
Tuy nhiên, do dạng thuốc này viên phải được điều chế và bảo quản trong điều kiện tránh ẩm do chứa một lượng muối kiềm khá lớn (natri carbonat, natri hydrocarbonat, kali carbonat), nên viên sủi không được chỉ định dùng cho người kiêng muối. Một số trường hợp viên sủi gây kiềm hoá máu làm ảnh hưởng đến hấp thu một số chất.
Với những người bị cao huyết áp có thể vẫn dùng thuốc viên sủi mà dạng bào chế có sử dụng muối tạo khí là KHCO3, vì kali trong máu có vai trò hạ áp. Các dạng viên sủi thường có vitamin C- tức acid ascorbic để tạo khí có vai trò làm bền vững thành mạch, ổn định huyết áp.
ThS.Lê Quốc Thịnh
0 Lời bình