Hotline: 02373.208.018

Bộ Y Tế: 1900.9095

benhvien71tw@gmail.com

Web Design

Your content goes here. Edit or remove this text inline.

Logo Design

Your content goes here. Edit or remove this text inline.

Web Development

Your content goes here. Edit or remove this text inline.

White Labeling

Your content goes here. Edit or remove this text inline.

VIEW ALL SERVICES 

MỘT SỐ BỆNH VIÊM ĐIỂM BÁM GÂN, VIÊM PHẦN MỀM QUANH KHỚP THƯỜNG GẶP.

Viêm điểm bám gân và phần mềm quanh khớp là một nhóm bệnh lý rất thường gặp. Tuỳ theo tổn thương viêm ở gân, dây chằng, túi thanh dịch hay bao gân mà có các bệnh viêm gân, viêm bao hoạt dịch gân, viêm gân nơi bám tận.

1. Tổng quan về bệnh viêm điểm bám gân và viêm phần mềm quanh khớp

Trong nhóm bệnh này, viêm gân và bao gân vùng khuỷu tay, cổ bàn tay, vai, gối và quanh mắt cá thường gặp nhất.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, song gặp chủ yếu ở nữ, tuổi trung niên hoặc cao tuổi. Theo một số nghiên cứu có tới 11,6% công nhân ngành dệt ở Hoa Kỳ mắc bệnh lý viêm gân, bao gân. Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là thể hay gặp nhất ở vùng khuỷu tay, gặp ở 1-3% dân số và thường ở độ tuổi 40 đến 60 tuổi.

Bệnh không nguy hiểm nhưng thường gây đau làm ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt, lao động thường ngày của bệnh nhân. Có thể kể tên một số bệnh hay gặp như viêm gân gấp ngón tay (còn gọi là ngón tay lò xo); viêm mỏm châm quay (hội chứng De Quervain); viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay…

Các dấu hiệu của bệnh viêm điểm bám gân, viêm phần mềm quanh khớp: Triệu chứng bệnh thường khá đơn giản, chủ yếu dựa vào dấu hiệu đau ở một số vị trí tổn thương đặc hiệu.

  • Đau từng lúc hoặc liên tục cả ngày và đêm, đau tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi; đau có thể lan dọc lên phía trên hoặc dưới của gân. Ấn tại chỗ thường có điểm đau chói. Ít khi có biểu hiện sưng, nóng, đỏ.
  • Khi làm một số nghiệm pháp co giãn cơ và gân nơi tổn thương bệnh nhân thấy đau tăng lên.
  • Triệu chứng toàn thân tuỳ thuộc căn nguyên, nhìn chung thường bình thường.
  • Các xét nghiệm máu không có thay đổi gì đặc biệt trừ khi có bệnh lý toàn thân phối hợp. Chụp X quang nơi tổn thương chủ yếu giúp phân biệt với các bệnh kèm theo có tổn thương tại khớp như viêm khớp dạng thấp, thoái hoá khớp, viêm cột sống dính khớp…Trên X quang có thể phát hiện hình ảnh calci hoá ở đầu gân. Siêu âm gân cơ, chụp cộng hưởng từ có giá trị trong chẩn đoán xác định ở những trường hợp viêm gân, bao gân không điển hình, nhất là ở các vị trí có nhiều gân cơ như vai, khớp háng, khớp gối, cổ chân.

2. Nguyên nhân bệnh viêm điểm bám gân, phần mềm quanh khớp

Nguyên nhân gây bệnh phần mềm quanh khớp thường khó xác định, tuy nhiên người ta thấy có một số yếu tố nguy cơ gây bệnh như chấn thương hoặc các vi chấn thương do các hoạt động lặp đi lặp lại kéo dài ở một số ngành nghề như vận động viên chơi thể thao (chơi tennis), nội trợ, bế trẻ em, làm nghề thủ công, thợ cơ khí, đi giầy dép cao gót… Tuổi cao, giới nữ cũng là một trong các yếu tố nguy cơ cao. Ngoài ra, bệnh còn hay gặp ở những người mắc các bệnh lý toàn thân như: viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, đái tháo đường…

3. Một số thể bệnh viêm điểm bám gân, viêm phần mềm quanh khớp hay gặp

Viêm điểm bám gân và viêm phần mềm quanh khớp có nhiều thể bệnh khác nhau chứ không phải 1 bệnh đơn nhất. Nhận biết đúng thể bệnh giúp việc điều trị hiệu quả hơn.

3.1. Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay

– Lồi cầu ngoài xương cánh tay là nơi bám của gân các cơ duỗi cổ tay quay, cơ duỗi chung các ngón, cơ duỗi ngón út, cơ khuỷu. Khoảng 40-50% người chơi quần vợt bị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay, vì vậy bệnh này còn có tên là “Khuỷu tay đau do chơi tenis” (Tennis’ elbow).

(Hình ảnh: Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay)

– Triệu chứng: đau khu trú ở vùng mặt ngoài khuỷu tay, có khi đau lan lên trên cánh tay và xuống dưới cẳng tay; đau có thể tăng vào buổi chiều tối. Đau tăng khi làm các động tác xoay cẳng tay, gấp duỗi ngón tay, nắm chặt tay. Khám ít khi thấy sưng, nóng, đỏ; ấn vào lồi cầu ngoài đau tăng lên hoặc đau chói. Khám cơ lực nắm tay hai bên có thể thấy giảm sức nắm bên tổn thương. Vận động khớp khuỷu tay bình thường.

– Cận lâm sàng: Xét nghiệm máu: nhìn chung không thay đổi. Chụp X-quang hầu như không có hình ảnh bất thường. Có thể thấy hình ảnh calci hóa ở đầu gân. Phần lớn kéo dài một thời gian rồi tự khỏi nhưng hay tái phát đặc biệt là những trường hợp có calci hóa.

3.2. Viêm mỏm trâm xương quay (Hội chứng De Quervain)

Bình thường cơ dạng dài và duỗi ngón tay cái trượt dễ dàng trong bao gân. Khi bao này bị viêm sẽ chèn ép các thành phần bên trong gây đau và hạn chế vận động ngón cái.

(Hình ảnh: Viêm gân duỗi ngắn và dạng dài ngón cái – Hội chứng De Quervain)

Nguyên nhân: hay gặp ở phụ nữ, do vận động ngón cái quá mức kéo dài như giặt, bế con, dệt… Các nguyên nhân khác có thể gặp như chấn thương dạng ngón cái quá mức, viêm khớp dạng thấp, lao, sẹo sau phẫu thuật hoặc không rõ nguyên nhân.

Triệu chứng lâm sàng:

– Sưng đau vùng mỏm trâm xương quay, đau tăng khi vận động ngón cái, đau liên tục, đau nhiều về đêm. Đau có thể lan ra ngón cái và lan lên cẳng tay.

– Sờ thấy bao gân phía ngoài mỏm trâm quay dầy lên, có thể có nóng đỏ, ấn thấy đau chói.

– Khi vận động ngón cái có thể nghe thấy tiếng kêu cót két.

– Test Finkelstein: gấp ngón cái vào trong lòng bàn tay, nắm các ngón tay trùm lên ngón cái, uốn cổ tay nghiêng về phía trụ. Khi bệnh nhân thấy đau chói vùng gân dạng dài và gân duỗi ngón cái hay ở gốc ngón cái là triệu chứng của viêm bao gân (De Quervain).

Siêu âm có thể thấy bao gân dầy lên và có dịch bao quanh…

3.3. Viêm đầu dài gân nhị đầu

Nguyên nhân:

– Tình trạng viêm gân cơ nhị đầu chủ yếu là do sự thoái hóa tự nhiên, mà không đến từ bệnh lý cơ xương khớp hay dây chằng. Theo đó, càng lớn tuổi thì các gân càng yếu và dễ mòn đi. Khi gân nhị đầu bị kích thích quá nhiều bởi hoạt động lặp đi lặp lại hằng ngày, điều này không chỉ tăng cơn đau dữ dội, khó chịu; mà còn cọ xát, làm viêm đoạn đi trong rãnh nhị đầu, dẫn đến tổn thương sụn và gân nhị đầu kéo dài, thậm chí là đứt gân. 

– Ngoài ra, chấn thương khi chơi thể thao, đặc biệt là các môn yêu cầu hoạt động quá đầu như bơi lội, quần vợt, cầu lông, bóng chày, chèo thuyền hoặc chơi golf, cũng là nguyên nhân khiến đầu dài cơ nhị đầu bị viêm, đi kèm là tình trạng rách gân chóp quay, viêm xương khớp và mất vững khớp vai mãn tính. 

– Một số yếu tố khác tăng nguy cơ viêm gân nhị đầu bao gồm hút thuốc lá, béo phì – thừa cân hoặc viêm khớp trước đó tạo ra nhiều gai xương, tác động xấu vào gân của cơ nhị đầu.

(Hình ảnh: Viêm đầu dài gân nhị đầu khớp vai)

Triệu chứng lâm sàng:

– Đau mặt trước vai và lan dần xuống cánh tay, khuỷu tay.

– Cơn đau tăng đột ngột khiến cho bệnh nhân cảm thấy tê mỏi ở vùng vai và cánh tay.

– Khó khăn khi cử động hai cánh tay, thậm chí giơ tay, vung tay hay là nhấc tay cũng sẽ làm cho người bệnh cảm thấy vô cùng đau đớn.

– Bệnh viêm gân cơ nhị đầu vai nếu kéo dài thì sẽ dẫn tới khả năng bị suy giảm nghiêm trọng sự vận động của khớp. Hơn nữa, gây ảnh hưởng tới nghiêm trọng đến công việc cũng như là quá trình sinh hoạt.

Cận lâm sàng:

– Siêu âm: Đây là phương pháp hữu hiệu nhất để chẩn đoán tình trạng tổn thương của gân và túi hoạt dịch gân. Bên cạnh đó, siêu âm khớp vai cũng là cách theo dõi sự phát triển của tổn thương, cũng như đánh giá kết quả điều trị. 

– Chụp X-quang: Mặc dù kết quả chẩn đoán của chụp X-quang là mô tả bệnh lý về xương, khớp. Nhưng, cách này còn có ích trong việc quan sát, đánh giá các vấn đề ở khớp vai.

– Chụp cộng hưởng từ (MRI): Cho phép đánh giá tình trạng gân, bao hoạt dịch gân và số lượng dịch viêm một cách chính xác. Từ đó, xác định mức độ viêm gân nhị đầu là nặng hay nhẹ.

3.4. Viêm gân chóp xoay vai

Chóp xoay là một nhóm gân tại khớp vai, được cấu tạo bởi 4 gân: cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ dưới vai và cơ tròn bé. Đây là nhóm gân vô cùng quan trọng, nó tham gia vào tất cả các động tác của khớp vai cũng như giúp khới vai vững chãi, hạn chế nguy cơ trật khớp.

Tổn thương các gân chóp xoay rất đa dạng như: viêm gân, viêm bao thanh dịch dưới mỏm cùng vai, đứt gân bán phần, đứt gân toàn bộ… đôi khi kèm theo sự lắng đọng canxi ở gân gây đau nhức. Trước đây bệnh viêm gân chóp xoay xảy ra phổ biến ở người trung niên, khi các khớp dần bị thoái hóa. Nhưng hiện nay tỷ lệ người trẻ tuổi bị viêm chóp xoay vai cũng đang gia tăng, chủ yếu là do chấn thương hoặc vận động vai không đúng cách.

(Viêm gân cơ trên vai gây đau nhức và tê mỏi vùng vai và cánh tay)

Nguyên nhân gây viêm gân cơ chóp xoay vai

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm gân cơ chóp xoay vai như:

Viêm gân chóp xoay vai do biến chứng bệnh lý: Thoái hóa khớp vai, thiếu máu nuôi gân, viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai, viêm gân, rách gân, viêm thoái hóa chóp… là những bệnh lý điển hình gây nên bệnh viêm gân cơ chóp xoay.

Chấn thương gây áp lực lên vai: Chống tay hoặc đè mạnh lên vai khi bị té ngã khiến tay chịu sức nặng lớn gây chấn thương vùng vai, làm dập hoặc rách gân cơ chóp xoay.

Sinh hoạt sai tư thế: Nếu nâng vật nặng hoặc đưa tay qua đầu không đúng tư thế, lặp đi lặp lại cũng khiến chóp xoay khớp vai bị viêm, rách. Nhất là với những người hay ngủ nghiêng một bên, những người làm nghề thường xuyên giơ cao (thợ sơn, thợ mộc,..) hoặc vận động viên (nâng tạ, đánh golf, bóng rổ, bóng chuyền,…).

Tuổi tác: Tuổi tác là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến viêm gân chóp xoay.

Triệu chứng viêm chóp xoay vai: Khi mới khởi phát, viêm chóp xoay vai thường có biểu hiện nhẹ nên dễ bị phớt lờ, bỏ qua. Một vài dấu hiệu điển hình như:

  • Vùng vai bị đau ở mức độ nhẹ khi hoạt động hoặc nghỉ ngơi.
  • Phía trên khớp vai có dấu hiệu đau và sưng.
  • Cơn đau trải dài từ phía trước khớp vai xuống mặt ngoài cánh tay.
  • Khi chạm vào vùng vai hoặc nhấc cánh tay lên đột ngột, vùng vai có cảm giác đau nhức.
  • Phát ra âm thanh “lách cách” khi hoạt động khớp vai.
  • Theo thời gian, tình trạng viêm chóp xoay sẽ tiến triển nặng hơn với các biểu hiện như:
  • Cơn đau nhức dữ dội khiến người bệnh không thể nhấc cánh tay lên. Các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như chải tóc, mặc quần áo… cũng trở nên khó khăn.
  • Nghiêm trọng hơn, với những người thuận bên phải, nếu bị viêm gân cơ chóp xoay vai phải sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và ngược lại.
  • Các cơ vai yếu dần, không thể vận động khớp vai nhiều như lúc trước.
  • Cơn đau thường xuất hiện về đêm, khiến người bệnh mất ngủ và phải đổi tư thế liên tục để cơn đau dịu đi.
  • Ở những trường hợp nặng, cơ vai mất đi khả năng vận động kèm những cơn đau nhức liên tục.

Biến chứng nguy hiểm của viêm gân chóp xoay vai: Đừng chủ quan bỏ qua những dấu hiệu viêm chóp xoay vai, vì nếu tình trạng này kéo dài sẽ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Gây viêm gân mãn tính, dẫn đến điều trị phức tạp và mất nhiều chi phí, thời gian.
  • Khớp vai bị cứng, tần suất và hiệu suất hoạt động của vai giảm rõ rệt.
  • Cơ vai không còn linh hoạt và sức mạnh, có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động của cánh tay, ngực, lưng.
  • Cơn đau tái phát nhiều lần, thậm chí là liên tục, kể cả giấc ngủ, từ đó gây ra tình trạng mất ngủ kéo dài, có thể dẫn đến nhiều bệnh lý thần kinh.

Chẩn đoán viêm gân chóp xoay:

Khi xuất hiện các dấu hiệu viêm gân chóp xoay vai, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không chủ quan, dùng thuốc giảm đau tại nhà để cắt giảm cơn đau tạm thời. Vì sau khi thuốc hết hiệu lực, cơn đau sẽ tái phát lại và tiến triển nặng hơn, gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các động tác kiểm tra hoạt động của vai có bình thường hay không. Ngoài ra, một vài xét nghiệm cũng có thể được thực hiện để giúp bác sĩ đánh giá được mức độ viêm, tổn thương tại vai, nhằm xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Những xét nghiệm thường gặp có thể là:

  • Chụp X-quang: Giúp phát hiện các gai xương nhỏ và bị vôi hóa trong gân.
  • Siêu âm khớp vai: Cho kết quả rõ nét hơn về cấu trúc các phần mô mềm như gân, cơ.
  • Chụp MRI: Kiểm tra tình trạng viêm, tụ dịch hoặc các tổn thương như rách gân, thoái hóa gân.

3.5. Ngón tay lò xo

Là tình trạng viêm bao gân của các gân gấp các ngón tay gây chít hẹp bao gân. Một số trường hợp gân gấp bị viêm xuất hiện cục xơ, làm di động của gân gấp qua vùng ngón tay bị cản trở. Mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay rất khó khăn, bệnh nhân phải cố gắng mới bật được ngón tay ra hoặc phải dùng tay bên lành kéo ngón tay ra như kiểu ngón tay có lò xo. Vì vậy bệnh có tên là ngón tay lò xo.

Triệu chứng lâm sàng:

– Đau ngón tay tại vị trí bao gân bị viêm và tại cục xơ, khó cử động ngón tay. Triệu chứng này nặng hơn vào buổi sáng, mới ngủ dậy.

– Ngón tay có thể bị kẹt ở tư thế gấp vào lòng bàn tay hoặc duỗi thẳng.

– Có thể có tổn thương một hoặc nhiều ngón tay cùng một lúc.

– Khám ngón tay có thể có sưng, sờ dọc gân gấp có thể thấy cục xơ dọc trên gân gấp ngón tay.

– Thường sờ thấy cục xơ ở vị trí khớp đốt bàn ngón tay, cục xơ di động khi gấp duỗi ngón tay.

3.6. Hội chứng đường hầm cổ tay

Trong đường hầm cổ tay có gân cơ gấp ngón cái dài nằm trong bao hoạt dịch quay, gân các cơ duỗi nông và sâu các ngón nằm trong hoạt dịch trụ, giữa hai bao dịch này là thần kinh giữa. Khi các bao dịch này bị viêm sẽ gây sưng nề chèn ép thần kinh giữa gây ra các triệu chứng của hội chứng đường hầm hay ống cổ tay.

(Hình ảnh: Dây thần kinh giữa bị chèn em gây Hội chứng ống cổ tay)

Nguyên nhân:

– Viêm khớp dạng thấp

– Các chấn thương vùng cổ tay: gãy xương của nhóm xương cá, sai khớp xương bán nguyệt, gãy cổ tay kiểu Pouteau Colles.

– Một số nghề nghiệp sử dụng cổ tay nhiều: ép, vặn xoay…

– Nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân.

Triệu chứng lâm sàng:

– Rối loạn cảm giác vùng thần kinh giữa chi phối, bệnh nhân thấy tê và đau buốt ở các ngón tay cái và ngón hai, ba và vùng gan bàn tay đặc biệt là khi bệnh nhân làm động tác duỗi cổ tay, thường đau liên tục, tăng về đêm, nặng lên khi thời tiết lạnh.

– Vùng cổ tay có thể sưng nhẹ so với bên lành.

– Khám: làm một số nghiệm pháp làm tăng sức ép lên đường hầm

  • Duỗi cổ tay hết cỡ, dùng búa phản xạ gõ vào vùng cổ tay gây nên tê và đau các ngón 1,2,3 và dọc 1/2 ngón 4
  • Dùng dây garo thắt chặt phần trên cẳng tay, sau một thời gian ngắn thấy đau như trên
  • Nghiệm pháp gọng kìm của ngón cái và ngón trỏ thấy cơ lực giảm rõ so với bên lành
  • Một số trường hợp nặng hoặc viêm kéo dài sẽ thấy teo cơ mô cái và giảm cảm giác nông của các ngón 1,2,3 và 1/2 ngón 4.

Cận lâm sàng:

– Điện cơ: có sự dẫn truyền bất thường của thần kinh giữa thuộc đoạn cẳng tay. Điện cơ giúp phân biệt với hội chứng rễ-dây thần kinh cột sống cổ, hội chứng đám rối thần kinh cánh tay.

– Siêu âm bằng đầu dò tần số cao thấy dầy bao gân và dịch hội tụ quanh bao gân trong đường hầm cổ tay.

3.7. Viêm gân gót chân (viêm gân Achilles)

Nguyên nhân: viêm gân gót phần lớn do hoạt động quá mức bàn chân như nhảy, đi giày cao gót…Ngoài ra một số bệnh toàn thân như viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường hoặc do dị tật lệch trục xương gót.

(Hình ảnh: Viêm gân gót chân – Viêm gân Achilles)

Triệu chứng lâm sàng:

– Triệu chứng đau là nổi bật, đau vùng gân gót, đau nhiều khi đi lại và kiễng chân, đau nhức nhối hoặc đau chói.

– Khám gân gót thấy sưng rõ, ít nóng đỏ, sờ có thể thấy nổi cục, ấn đau, gấp duỗi mạnh bàn chân thì đau tăng.

– Trường hợp nặng có đứt gân từng phần hoặc toàn bộ làm bệnh nhân rất đau và mất khả năng đi bộ, không đứng được trên các ngón chân. Thử test Thompson thấy bất thường cho bệnh nhân nằm sấp, hai chân để tự do (không tỳ vào vật gì). Bác sĩ dùng tay đè lên bắp chân bệnh nhân. Nếu không có đứt gân gót thì bàn chân sẽ duỗi nhẹ, nếu có đứt gân gót thì bàn chân không cử động và có thể thấy có chỗ lõm xuống dọc gân gót (so với bên lành).

Cận lâm sàng:

– Chụp X-quang chỉ có vai trò chẩn đoán phân biệt với các tổn thương ở xương gót. Đôi khi trên phim nghiêng có thể thấy hình ảnh gân gót phồng to nhờ sự tương phản với tổ chức mỡ bao quanh gân.

– Siêu âm gân gót thấy tăng kích thước, giảm đậm độ siêu âm do phù nề trong gân, bao gân dầy lên, có thể có tụ dịch ngoài bao gân.

– Chụp cộng hưởng từ (MRI): tăng kích thước gân gót, bao gân dầy, có thể đứt gân từng phần hoặc toàn bộ (biểu hiện bởi các ổ bất thường tín hiệu trong gân). MRI cũng giúp chẩn đoán phân biệt với các tổn thương khác vùng cổ chân.

3.8. Viêm cân gan chân

Viêm cân gan chân là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của đau gót chân. Nó liên quan đến tình trạng viêm của một dải mô dày chạy dọc dưới gan chân và kết nối xương gót chân với ngón chân.

Triệu chứng viêm cân gan chân:

Triệu chứng thường gặp của viêm cân gan chân là: đau nhói thường xảy ra với những bước đi đầu tiên vào buổi sáng. Khi đứng dậy và di chuyển, cơn đau thường giảm, nhưng nó có thể quay trở lại sau thời gian dài đứng hoặc đứng dậy sau khi ngồi.

(Viêm cân gan bàn bàn chân là một trong những căn bệnh hay gặp nhất ở vùng gót chân)

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ:

– Viêm cân gan chân phổ biến hơn ở người chạy bộ. Những người thừa cân và những người đi giày dép với sự hỗ trợ không đầy đủ cũng có nguy cơ bị viêm cân gan chân.

– Khi cân gan chân bị căng ra kéo dài.

– Tuổi tác: Viêm cân gan chân là phổ biến nhất ở độ tuổi từ 40 đến 60.

– Một số loại bài tập: Các hoạt động tạo áp lực nhiều lên gót chân và mô kèm theo, ví dụ như chạy đường dài, múa ba lê và nhảy aerobic.

– Các bất thường gan bàn chân: Bàn chân phẳng, bàn chân lõm hoặc thậm chí là một kiểu đi bộ bất thường có thể ảnh hưởng đến cách phân bổ trọng lượng khi đứng và có thể gây thêm áp lực cho cân gan chân.

– Béo phì, thừa cân gây thêm áp lực cho cân gan chân và dễ gây viêm cân gan chân.

– Nghề nghiệp ảnh hưởng: Công nhân nhà máy, giáo viên và những người khác dành phần lớn thời gian làm việc của họ đi bộ hoặc đứng trên bề mặt cứng có thể gây ra viêm cân gan chân.

Chẩn đoán viêm cân gan chân:

– Lâm sàng: Dựa vào tính chất đau gót chân như đã mô tả ở trên.

– XQuang có thể thấy gai xương gót.

– Siêu âm hoặc cộng hưởng từ: Thấy được hình ảnh viêm cân gan chân hoặc viêm điểm bám cân gan chân vào xương gót.

3.9. Viêm điểm bám gân đầu trên xương mác

– Là biểu hiện của viêm đầu dưới gân cơ nhị đầu đùi. Nguyên nhân thường do vận động quá mức như đi bộ nhiều, leo núi, tập thể dục….

– Viêm đầu dưới gân cơ nhị đầu đùi biểu hiện đau vùng đầu trên xương mác, đau tăng khi gấp gối hoặc khi ấn vào. Hầu như không có sưng, trừ những trường hợp bệnh nhân xoa bóp nhiều vùng đau.

3.10. Viêm điểm bám gân lồi cầu trong xương chày

– Gân chân ngỗng tạo bởi gân cơ may, cơ thon, cơ bám gân: bám tận ở lồi cầu trong xương chày. Quanh các gân này có các túi hoạt dịch nhỏ.

– Viêm gân chân ngỗng biểu hiện sưng, đau vùng lồi cầu trong xương chày, có thể kèm theo nóng đỏ. Có khi trên lâm sàng khó phân biệt với viêm bao hoạt dịch và hội chứng dây chằng bên chày của khớp gối. Chẩn đoán chính xác cần sự hỗ trợ của siêu âm và cộng hưởng từ khớp gối.

3.11. Viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương đùi

– Dải chậu chày tiếp nối cơ năng mạc đùi chạy ở lớp nông mặt ngoài của đùi đến bám vào lồi cầu ngoài xương đùi. Viêm dải chậu chày thường xảy ra ở người chạy nhiều.

– Triệu chứng chính là đau vùng lồi cầu ngoài đùi, đau tăng khi chạy. Ít khi có sưng nóng đỏ, ấn vào vùng lồi cầu ngoài xương đùi có điểm đau chói.

4. Điều trị bệnh viêm điểm bám gân và phần mềm quanh khớp

4.1. Điều trị không dùng thuốc

  • Hạn chế vận động gân, khớp bị tổn thương
  • Những trường hợp đau nhiều có thể phải cố định tạm thời gân, khớp bị tổn thương bằng nẹp, máng bột…
  • Chườm lạnh nếu có sưng nóng đỏ
  • Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu kết hợp với quá trình luyện tập cũng giúp cải thiện bệnh nhiều hơn.

4.2. Thuốc điều trị

– Thuốc giảm đau thông thường: acetaminophen…

– Thuốc chống viêm không steroid đường uống hoặc bôi tại chỗ, dùng tới khi hết sưng đau.

– Tiêm corticoid tại chỗ: Mục đích tiêm corticoid tại chỗ là đưa corticoid nồng độ cao tới vị trí gân, bao gân bị viêm. Khi tiến hành tiêm corticoid tại chỗ phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối. Các chế phẩm thường dùng là:

  • Hydrocortison acetat ( Nồng độ 1ml/25mg) là loại tác dụng nhanh, thời gian bán hủy ngắn. Liều cho 1 lần tiêm quanh khớp từ 5-12,5mg (0,2-0,5ml) tùy vị trí tiêm. Tiêm không quá 3 lần cho một đợt điều trị, mỗi mũi cách nhay 3-4 ngày,mỗi năm không quá 3 đợt
  • Depo-Medrol (Methyl prednisolon acetat, nồng độ 1ml/40mg) có tác dụng kéo dài. Liều cho một lần tiêm cạnh khớp từ 8-20mg/1 lần (0,2-0,5ml/1 lần) tùy thuộc vào vị trí, mỗi mũi cách nhau 7-10 ngày không quá 2 lần trong một đợt, mỗi đợt cách nhau 3-6 tháng, mỗi năm không quá 3 đợt
  • Diprospan (Betamethason dipropioat, nồng độ 1ml/4mg): là loại tác dụng kéo dài. Liều cho một lần tiêm cạnh khớp từ 0,8 -2mg/1 lần (0,2-0,5ml/1 lần) tùy thuộc vị trí, mỗi mũi cách nhau 7-10 ngày, không quá 2 lần trong một đợt điều trị, mỗi đợt cách nhau 3-6 tháng, mỗi năm không quá 3 đợt.

Chống chỉ định tuyệt đối tiêm corticoid tại chỗ: Các tổn thương do nhiễm khuẩn, nấm hoặc chưa loại trừ được nhiễm khuẩn (chống chỉ định). Tổn thương nhiễm trùng trên hoặc gần vị trí tiêm.

Chống chỉ định tương đối tiêm corticoid tại chỗ: tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm loét dạ dày tá tràng, phải điều trị và theo dõi trước và sau tiêm. Đang dùng thuốc chống đông hoặc có rối loạn đông máu.

Các biến chứng do tiêm corticoid tại chỗ là rất ít nhưng có thể xảy ra gồm: Đau sau tiêm vài giờ, có thể kéo dài một vài ngày, thường hay gặp sau tiêm mũi đầu tiên. Nhiễm trùng. Đứt gân do viêm vào trong gân. Teo da tại chỗ. Mảng sắc tố da. Tái phát sau điều trị.

4.3. Điều trị bệnh chính nếu có

Các trường hợp viêm gân, bao gân kèm theo viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, đái tháo đường… cần phải điều trị đồng thời và kéo dài các thuốc cơ bản cùng với chế độ sinh hoạt phù hợp.

4.4. Điều trị bằng phẫu thuật:

Phẫu thuật giải phóng chèn ép, cắt bỏ phần viêm nếu điều trị nội khoa thất bại.

THƯ MỜI BÁO GIÁ

THƯ MỜI BÁO GIÁ

Kính gửi: Các nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam           Bệnh viện 71 Trung ương có nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá kế hoạch, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cung ứng hóa chất phục vụ công tác...

Công đoàn Bệnh viện tổ chức lễ tặng thưởng cho nhân viên xuất sắc trong công tác truyền thông bệnh viện tháng 9/2024

Công đoàn Bệnh viện tổ chức lễ tặng thưởng cho nhân viên xuất sắc trong công tác truyền thông bệnh viện tháng 9/2024

Sáng ngày 01 tháng 10 năm 2024, Tại Hội nghị BCHCĐ mở rộng, Công đoàn Bệnh viện 71 TW đã tổ chức lễ tặng thưởng cho nhân viên có thành tích xuất sắc trong công tác truyền thông bệnh viện. Đây là sự kiện thường niên nhằm tôn vinh những đóng góp tích cực của đoàn viên...

Công đoàn Bệnh viện 71 Trung ương chung tay ủng hộ đồng bào và đoàn viên người lao động ngành y tế thiệt hại do ảnh hưởng cơn bão số 3

Công đoàn Bệnh viện 71 Trung ương chung tay ủng hộ đồng bào và đoàn viên người lao động ngành y tế thiệt hại do ảnh hưởng cơn bão số 3

Cơn bão số 3 đi qua đã gây ra những thiệt hại nặng nề, đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc, với nhiều cơ sở hạ tầng y tế và đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thực hiện CV: 281/CĐYT, ngày 13/9/2024 BCHCĐ bệnh viện đã kêu gọi toàn bộ cán bộ viên chức, người lao...

HỌP HỘI ĐỒNG NGƯỜI BỆNH CẤP BỆNH VIỆN QUÝ 3 NĂM 2024

HỌP HỘI ĐỒNG NGƯỜI BỆNH CẤP BỆNH VIỆN QUÝ 3 NĂM 2024

Chiều ngày 20/09/2024 được sự đồng ý của Đảng ủy, Ban Giám đốc, phòng KHTH - phòng Điều dưỡng và khoa Dinh dưỡng đã phối hợp với các khoa/phòng tổ chức họp Hội đồng người bệnh cấp Bệnh viện quý 3 năm 2024. Đây là hoạt động thường quy được Bệnh viện tổ chức nhằm...

0 Lời bình

Bài viết khác:

02373208018
Liên hệ