Ampicillin là kháng sinh thông dụng, rất quen thuộc và đã bị lạm dụng trong cộng đồng khá nhiều. Nó thực chất là một penicillin bán tổng hợp nhóm A có hoạt phổ rộng với nhiều chủng vi khuẩn gram (+) và gram (-).
Ampicillin là kháng sinh thông dụng, rất quen thuộc và đã bị lạm dụng trong cộng đồng khá nhiều. Nó thực chất là một penicillin bán tổng hợp nhóm A có hoạt phổ rộng với nhiều chủng vi khuẩn gram (+) và gram (-). Ampicillin có tác dụng chống lại những vi khuẩn mẫn cảm gây nhiễm khuẩn đường hô hấp, dẫn mật, tiêu hoá, tiết niệu, một số bệnh ngoài da như viêm bì có mủ, áp -xe, đầu đinh… viêm tai giữa, bàng quang và thận…
Có nên tiếp tục dùng ampicillin dạng uống?
Ampicillin uống chỉ dùng điều trị các nhiễm trùng từ nhẹ đến vừa. Những vi khuẩn mà ampicillin có hiệu quả là: vi khuẩn ruột, Listeria monocytogenes, Neisseria gonorrhoeae, Neisseria meningitidis, một số Hemophilus influenzae, Gardnerella vaginalis, Bordetella pertussis, và một số E.coli, Proteus mirabilis, Samonella và Shigella. Sự nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh thay đổi từ vùng này đến vùng khác. Do bị lạm dụng nên hiện nay nhiều báo cáo cho thấy ampicillin đã bị vi khuẩn kháng lại với tỷ lệ khá cao. Xu hướng dùng những kháng sinh mới phổ rộng hơn để điều trị nhiễm khuẩn đã làm cho ampicillin trở thành loại thuốc bị nhiều người cho là cũ.
Thức ăn trong dạ dày làm giảm lượng và tốc độ hấp thu ampicillin. Để đạt được độ hấp thu tối đa nên uống thuốc trước bữa ăn 1 giờ hoặc sau bữa ăn 2 giờ. Tuy nhiên, đối với những người hay bị buồn nôn hoặc khó chịu dạ dày sau khi uống ampicillin, có thể uống thuốc trong khi ăn. Ampicillin thường được dùng 4 lần/ngày trong 7-14 ngày. Đây cũng là một nhược điểm của loại kháng sinh này vì phải sử dụng nhiều lần trong ngày, do có thời gian bán thải rất ngắn. Ampicillin được bài tiết ra sữa mẹ, vì vậy cần cân nhắc nguy cơ dị ứng tiềm ẩn ở trẻ bú sữa của người mẹ có dùng ampicillin.
Không nên dùng ampicillin dạng uống.
Do ampicillin và amoxycillin có phổ kháng khuẩn tương tự như nhau và đều là kháng sinh uống nên hiện nay có xu hướng thay ampicillin bằng amoxycillin. Điều này có lý do liên quan đến sinh khả dụng khi dùng thuốc. Amoxycillin là dẫn xuất tổng hợp của ampicillin dùng uống hấp thu nhiều hơn (từ 80 – 90%). Vì vậy, nếu dùng đường uống, có thể dùng amoxycilin thay vì dùng ampicillin. Mặt khác, do ampicillin đã bị lạm dụng trong một thời gian dài nên đã dần dần bị vi khuẩn kháng lại khá nhiều, mất đi tác dụng ban đầu vốn rất tốt của nó. Sinh khả dụng đường uống của ampicillin lại khá thấp (chỉ khoảng 30%). Do đó, hiện nay, khuyến cáo các thầy thuốc nên dùng dạng thuốc uống amoxycillin để có hiệu quả điều trị tốt hơn. Ampicillin nếu dùng chỉ nên dùng dạng tiêm có phối hợp ampicillin cùng với sulbactam để tăng hiệu quả điều trị do đã phối hợp ampicillin với một chất kháng betalactam.
Ampicillin là loại thuốc hay gây dị ứng
Sử dụng ampicillin dạng tiêm cũng cần phải cân nhắc kỹ do phản ứng dị ứng rất hay gặp ở thuốc này. Dị ứng là tác dụng phụ khá hay gặp khi điều trị bằng các penicillin. Phản ứng này có thể đi từ phát ban tới sốc phản vệ, thậm chí tử vong. Phát ban thường xảy ra với ampicillin hơn các penicillin khác. Tỷ lệ phát ban do ampicillin cao hơn ở những bệnh nhân bị bệnh virut, như chứng tăng bạch cầu đơn nhân. Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với penicillin không nên dùng ampicillin. Buồn nôn, nôn, chán ăn, tiêu chảy và đau bụng là những tác dụng phụ tiêu hóa hay gặp khi điều trị ampicillin, nhưng hiếm khi nặng. Tiêu chảy hay gặp khi điều trị ampicillin hơn các penicillin khác. Sử dụng ampicillin cùng với allopurinol có thể làm tăng tỷ lệ phát ban do thuốc. Ampicillin, ngay cả ở liều bình thường, có thể làm giảm hiệu quả của viên tránh thai do làm giảm nồng độ estrogen của viên tránh thai trong máu.
Ampicillin rất dễ bị phá hủy trong môi trường acid
Khi dùng thuốc kháng sinh, trong đó có ampicillin, nhiều thầy thuốc thường kê thêm các loại vitamin cho người bệnh uống kèm, trong đó có vitamin C. Vitamin C (acid ascorbic) là vitamin rất cần thiết cho cơ thể để phòng và chữa các chứng chảy máu do thiếu hụt chất này. Nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng sức đề kháng của cơ thể khi bị nhiễm khuẩn. Vitamin C có trong khá nhiều loại thuốc có bán tự do trên thị trường. Nhiều người thường mua các loại viên thuốc phối hợp vitamin hoặc các dạng thuốc C sủi để dùng làm nước uống cho người đang ốm, trẻ em, người đang dùng thuốc…
Tuy nhiên, khi đang uống các loại thuốc kháng sinh, nhất là các kháng sinh nhóm betalactam như penicillin, ampicillin, amoxycillin, augmentin, unacyl, cloxacillin, oxacillin… cần chú ý không được dùng nước hoa quả hay các đồ uống chua, các thuốc có vitamin C bởi vì các kháng sinh này không bền ở môi trường acid.
Cần nhớ rằng, nhiều loại thuốc kháng sinh nhóm betalactam có tên biệt dược khác như amoksiklav, clamoxyl, hiconcil, ospen, dodacin… cũng vẫn phải tuân thủ nguyên tắc không uống cùng với các chất có pH acid. Vì vậy, khi đang dùng các thuốc kháng sinh đường uống, tốt nhất không nên uống với các chất có vitamin C
Nên dùng ampicillin ở dạng phối hợp
Ampicillin hiện nay vẫn được nhiều cơ sở sản xuất trong nước sản xuất và trên thị trường cũng có khá nhiều biệt dược nhập ngoại. Tuy nhiên, như trên đã phân tích, nên dùng dạng thuốc uống amoxycillin để thay thế ampicillin uống vì sinh khả dụng cao hơn. Nếu sử dụng ampicillin dạng uống, nên chọn các loại thuốc phối hợp như ampicillin cùng với cloxacilin, ampicillin cùng với sulbactam… để nâng cao hiệu quả diệt khuẩn và giảm số lần uống thuốc.
ThS. Lê Quốc Thịnh
0 Lời bình