Ngày 21/8/2023, khoa Nhi, Bệnh viện 71 TW tiếp nhận bệnh nhi Đ.H.N 13 tháng tuổi, địa chỉ xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương.
Bệnh nhi vào viện trong tình trạng sốt, mệt mỏi, ho nhiều, quấy khóc. Da toàn thân, lòng bàn tay chân 2 bên nổi các nốt phỏng nước với mật độ dày đặc. Các mụn nước màu trắng đục tập trung nhiều tại vùng mông và tầng sinh môn. Đặc biệt, các nốt phỏng nước vùng mông gần kẽ hậu môn đã bị bội nhiễm, vỡ, loét, khiến da trẻ sưng nề, đỏ tấy, rỉ dịch, trẻ đau đớn quấy khóc.
Hình ảnh vùng mông gần kẽ hậu môn của bệnh nhi đã bị bội nhiễm, vỡ, loét
Sau khi được các bác sỹ chuyên khoa Nhi thăm khám và hội chẩn cùng bác sĩ chuyên khoa da liễu, bệnh nhi được kết luận chẩn đoán tay chân miệng biến chứng tại da và hô hấp. Các nốt phỏng nước tiến triển rất nhanh, chỉ sau 1 ngày ở vùng mông và tầng sinh môn đã lan ra dày đặc đến vùng đùi của trẻ. Tổn thương bội nhiễm khiến trẻ đau đớn.
Hình ảnh các nốt phỏng nước tiến triển rất nhanh, ở vùng mông và tầng sinh môn đã lan ra dày đặc đến vùng đùi của trẻ. Tổn thương bội nhiễm khiến trẻ đau đớn.
Sau điều trị 5 ngày, các nốt phỏng nước khô, đóng vảy, không còn xuất hiện các nốt phỏng nước mới. Đến ngày thứ 7, Tổn thương đã lên da non, không để lại sẹo. Đồng thời, trẻ hết ho, ăn chơi tốt, biến chứng viêm phổi điều trị ổn định, trẻ được xuất viện.
Hình ảnh tổn thương lên da non, liền tốt, không để lại sẹo
LƯU Ý: Tuy không phải là tuyp EV71 (tuyp gây biến chứng tay chân miệng nặng nề), nhưng nếu chúng ta không biết cách vệ sinh và phòng tránh cũng có thể gây ra biến chứng đáng kể. Cụ thể như trong trường hợp bé Đ.H.N, do các nốt phỏng nước gần vùng hậu môn khó thấy, khi lau chùi sau khi đi vệ sinh đã khiến phỏng nước vỡ ra, cùng với chất thải, khiến tình trạng tổn thương nặng nề hơn
rất nhanh chóng.
Vì vậy, các bậc phụ huynh, khi phát hiện trên da vùng lòng bàn tay chân, vùng mông, có các nốt phỏng nước, miệng có vết loét, nên đưa con đi khám. Nếu trẻ được chẩn đoán chân tay miệng và được chỉ định theo dõi tại nhà, cần phải chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân cho con. Sau khi đi vệ sinh cần dùng giấy mềm, dùng xà bông lau rửa sạch sẽ, tránh cặn chất thải dính trên da gây bội nhiễm. Hướng
dẫn hoặc giúp trẻ vệ sinh cá nhân, rửa tay xà bông sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn uống, tránh bội nhiễm thêm các tác nhân vi khuẩn, virus khác.
Bs. Đoàn Thu Trang – Khoa Nhi – BV 71 TW
0 Lời bình