Chiều ngày 24 tháng 10 năm 2023, Bệnh viện 71 Trung ương đã tổ chức buổi Sinh hoạt khoa học chuyên môn: “Tiếp cận chẩn đoán và điều trị viêm gan vi rút” với sự tham gia của GS. Nguyễn Văn Kính- Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt dới Trung ương- PCT tổng Hội Y học Việt Nam, TTUT.BSCKII Thiều Đình Hưng-Giám đốc Bệnh viện 71 Trung ương, TTUT. ThS. BSCKII Hoàng Văn Ngọc- PGĐ Bệnh viện 71 Trung ương và toàn bộ các bác sỹ, dược sỹ Bệnh viện 71 Trung ương.
Hình ảnh buổi sinh hoạt khoa học chuyên môn
Buổi sinh hoạt dưới sự chủ trì của TTUT.BSCKII. Thiều Đình Hưng- BTĐU. GĐBV, người báo cáo: GS. Nguyễn Văn Kính- nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
TTUT. BSCKII. Thiều Đình Hưng- BTĐU- GĐBV71 Trung ương chủ trì buổi sinh hoạt
Tại buổi sinh hoạt, GS. Nguyễn Văn Kính đã chia sẻ những kiến thức mới nhất về bệnh viêm gan vi rút giúp các bác sĩ trong bệnh viện cập nhật những kiến thức, kỹ thuật mới trong chẩn đoán, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh viêm gan virus.
Theo GS. Nguyễn Văn Kính, viêm gan virus là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tử vong do các biến chứng của bệnh. Trong 5 loại virus viêm gan (A, B, C, D, E), virus viêm gan B và C có tỷ lệ mắc nhiều mất và gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người nặng nhất. Mặc dù virus viêm gan C rất nguy hiểm nhưng nay đã có thuốc điều trị đặc hiệu; còn viêm gan B (VGB) vẫn chưa thể điều trị khỏi. Viêm gan B mặc dù có vắc xin phòng bệnh nhưng chỉ các đối tượng sinh từ năm 2003 trở lại đây mới được tiêm chủng miễn phí, đa số từ 16 tuổi trở lên chưa được tiêm phòng nên chưa có miễn dịch bảo vệ. Vì vậy, viêm gan B vẫn là một bệnh nguy hiểm nhất trong các loại viêm gan virus hiện nay.
Nhiễm virus viêm gan B diễn biến rất âm thầm, các triệu chứng thực thể nghèo nàn, người bệnh rất khó có thể tự nhận biết qua các biểu hiện bên ngoài nếu như không chủ động khám xét nghiệm. Vì vậy người bệnh chỉ tự nhận biết khi có triệu chứng lâm sàng và bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn, xơ gan và ung thư gan.
Nhiều bệnh nhân biết bị nhiễm virus viêm gan B nhưng vẫn không biết đến cơ sở y tế để tư vấn cách phòng chống. Nguyên nhân chính là do người nhiễm virus viêm gan B thiếu kiến thức, thực hành về phòng, chống viêm gan B; khả năng và năng lực tư vấn, chẩn đoán viêm gan B của các nhân viên y tế cơ sở hiện nay còn rất hạn chế. Vì vậy bệnh nhân đến viện đều muộn hoặc phải chuyển về Hà Nội để điều trị.
Theo các điều tra dịch tễ trong nước, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B trong cộng đồng khoảng 10%. Nhiều người được phát hiện nhiễm virus viêm gan B hiện nay vẫn chưa có cơ sở y tế nào quản lý điều trị. Vì vậy, đây là một nguồn truyền nhiễm nguy hiểm cho cộng đồng; mặt khác virus viêm gan B có đường lây truyền tương tự như HIV, nhưng lại rất ít có các chương trình truyền thông về đường lây và cách phòng chống. Do vậy rất cần phải tìm ra các giải pháp để phòng, chống, quản lý nhiễm quản lý người nhiễm virus viêm gan B tại cộng đồng đang là một vấn đề rất bức thiết.
Qua buổi sinh hoạt chuyên môn này đã góp phần nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm cho đội ngũ bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị viêm gan vi rút, tiến tới thành lập đơn vị quản lý điều trị và chăm sóc bệnh nhân viêm gan vi rút B, C mạn tính tại Bệnh viện 71 Trung ương, góp phần giảm tải cho các Bệnh viện tuyến trên, đẩy lùi bệnh viêm gan do vi rút và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
0 Lời bình