Ung thư phổi hay ung thư phế quản là một khối u ác tính phát triển từ biểu mô phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc từ các tuyến của phế nang.
Hiện nay, ung thư phổi (UTP) đứng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp về cả tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong trên thế giới. Ở Việt Nam, UTP xếp thứ 2 sau ung thư gan, với khoảng 23.600 người phát hiện mắc mới và 20.700 người tử vong mỗi năm.
I. Nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây UTP:
Theo các nhà khoa học thì chỉ dưới 10% bệnh ung thư phát sinh là do các rối loạn từ bên trong cơ thể của con người và thường không thể thay đổi được. Ngược lại có đến hơn 80% bệnh ung thư phát sinh là do liên quan đến yếu tố bên ngoài mà con người có thể thay đổi được, bao gồm các yếu tố nguy cơ sau:
1. Thuốc lá: hút thuốc lá, kể cả thụ động là một trong những nguy cơ hàng đầu gây bệnh UTP. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư cao hơn người không hút thuốc 6 – 30 lần. Cho đến nay người ta đã phát hiện được trong khói thuốc lá có hơn 4000 chất độc, trong đó hơn 40 chất gây ung thư, đã có nhiều nghiên cứu khảo sát bệnh nhân mắc UTP đã chỉ ra, 90% người mắc có liên quan đến hút thuốc lá, 24% người mắc bắt nguồn từ hút thuốc thụ động.
2. Chế độ ăn uống không lành mạnh.
3. Ô nhiễm môi trường: Nghề nghiệp độc hại tiếp xúc Amiant, Chrome, sắt, arsenic, silic, chất thải từ động cơ, khói bụi, tia xạ, ô nhiễm không khí …
4. Các bệnh mãn tính của phổi: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tổn thương lao phổi cũ, u lao phổi cũ, các nốt vôi hóa, tổn thương sẹo cũ ở phổi, các viêm phổi mạn có dị sản…
II. Tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi.
Ung thư phổi là bệnh lý ác tính tiến triển rất âm thầm, ở giai đoạn sớm hầu như không có triệu chứng lâm sàng, các triệu chứng chỉ xuất hiện khi khối u kích thước đủ lớn và xâm lấn vào các cơ quan,tổ chức lân cận, đa số những trường hợp phát hiện sớm là do khám sức khỏe định kỳ hoặc đi khám các bệnh lý khác tình cờ phát hiện ra.
Những đối tượng có nguy cơ cao như tuổi trên 45, hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm bao gồm cả hút thuốc chủ động và thụ động, những người làm việc trong môi trường tiếp xúc với hóa chất độc hại, các chất phóng xạ, những người trong gia đình có nhiều người mắc ung thư, những người có các tổn thương mạn tính tại phổi cần khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm UTP. Những người có dấu hiệu bất thường về hô hấp như: ho kéo dài, ho khạc đờm dây máu thâm, tức ngực, cảm giác khó thở hoặc toàn thân mệt mỏi, ăn kém, gày sút cân cần phải đến các cơ sở y tế khám phát hiện sớm UTP.
Một số phương pháp có thể giúp tầm soát phát hiện sớm UTP:
1. Chụp xquang phổi thường quy: Xquang phổi thường quy là phương pháp đơn giản, rẻ tiền và dễ thực hiện, có thể thực hiện nhiều cơ sở y tế như tuyến huyện, tuyến tỉnh và đặc biệt có thể thực hiện ngay trên xe xquang kỹ thuật số lưu động. Trên phim Xquang thường quy có thể phát hiện các tổn thương khối u có kích thước nhỏ dạng nốt đơn độc với kích thước 1 cm, trên cơ sở đó áp dụng các kỹ thuật chuyên sâu hơn giúp chẩn đoán xác định. Tuy nhiên xquang phổi còn có một số hạn chế các tổn thương nhỏ vùng đỉnh phổi, các tổn thương khu vực trung tâm rốn phổi, vùng trung thất, sau bóng tim, lấp sau xương sườn khó đánh giá dễ bỏ sót tổn thương.
2. Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp: Chụp cắt lớp liều thấp là một tiến bộ lớn của lĩnh vực sàng lọc phát hiện sớm UTP. Phương pháp này với phần mềm vi tính hỗ trợ diễn giải hình ảnh chụp chính xác và giảm chi phí. Liều chụp được đặt ở mức 2mSv (so với liều chuẩn 7mSv), giảm nguy cơ tiếp xúc tia xạ so với chụp cắt lớp vi tính ngực thông thường. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, với những bệnh nhân có nguy cơ cao bị UTP, việc tiến hành sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư bằng chụp cắt lớp với liều xạ thấp hàng năm tăng được thêm 20% số trường hợp UTP được phát hiện khi so với chụp x quang phổi thông thường. Chính nhờ những lợi ích rõ rệt như vậy, do đó, nhiều khuyến cáo hiện nay đưa chụp cắt lớp vi tính ngực liều xạ thấp, tiến hành hàng năm là phương pháp tốt để sàng lọc, phát hiện UTP sớm.
3. Nội soi phế quản ống mềm bằng ánh sáng huỳnh quang: là một trong những phương pháp phát hiện sớm UTP bằng cách phát hiện sớm các tổn thương niêm mạc phế quản qua đó sinh thiết xác định có tế bào ung thư hay không, đặc biệt những trường hợp ung thư biểu mô tại chỗ (carcinoma in situ), các tổn thương loạn sản khó có thể xác định bằng nội soi phế quản ánh sáng trắng đơn thuần.
4. Nội soi phế quản sử dụng nguồn sáng NBI: Đây là kỹ thuật mới được áp dụng trong kỹ thuật nội soi phế quản. NBI tăng cường khả năng hiển thị mao mạch (mạch máu nhỏ) và các cấu trúc khác trên bề mặt niêm mạc. Dựa vào hình ảnh thu được người làm nội soi có thể nhận biết được vùng nghi ngờ tổn thương và quyết định sinh thiết niêm mạc tại chỗ nghi ngờ để làm xét nghiệm mô bệnh học giúp chẩn đoán xác định tổn thương đó có phải ung thư hay không ngay từ rất sớm.
5. Xét nghiệm các chất chỉ điểm u như: SCC, CEA, Cyfra 21-1, Pro –GRP, NSE trong máu tăng đóng vai trò tham chiếu định hướng đến UTP.
III. Chẩn đoán xác định ung thư phổi
Các triệu chứng lâm sàng cũng như hình ảnh tổn thương trên phim xquang, phim cắt lớp vi tính lồng ngực chỉ có giá trị gợi ý hướng tới việc người bệnh có mắc bệnh UTP hay không chứ không có giá trị chẩn đoán xác định. Do vậy để kết luận người bệnh có bị UTP hay không phải căn cứ vào tiêu chuẩn vàng là kết quả giải phẫu bệnh trên mẫu mô của người bệnh, mẫu mô có thể lấy từ tổn thương u nguyên phát nhưng cũng có thể lấy từ tổn thương thứ phát do ung thư di căn.
Các phương pháp tiếp cận lấy mẫu bệnh phẩm mô qua đó giúp chẩn đoán xác định UTP gồm:
1. Sinh thiết phổi dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính: là kỹ thuật đưa kim sinh thiết vào tổn thương phổi nghi ngờ ung thư dưới hướng dẫn của máy chụp cắt lớp vi tính để tiến hành lấy bệnh phẩm từ tổn thương phổi, bệnh phẩm sau đó được gửi xét nghiệm giải phẫu bệnh để xác định tổn thương đó có phải là ung thư hay không.
2. Nội soi khí phế quản: Là kỹ thuật sử dụng ống soi mềm qua đường mũi họng, thanh quản vào tới trong lòng các phế quản phân thùy nhằm đánh giá các tổn thương trong lòng cây phế quản có khối u xâm lấn vào. Đồng thời, qua đó sinh thiết tổn thương trong lòng phế quản hoặc sinh thiết xuyên thành phế quản vào khối u phổi nhằm mục đích lấy bệnh phẩm đểhoa giải phẫu bệnh giúp chẩn đoán xác định mô sinh thiết đó có phải mô ung thư hay không.
3. Sinh thiết màng phổi: Là kỹ thuật đưa kim vào khoang màng phổi sinh thiết lấy mảnh tổ chức mô màng phổi, áp dụng cho những trường hợp ung thư phổi đã xâm lấn di căn màng phổi mà không có khả năng tiếp cận sinh thiết phổi dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính và nội soi phế quản sinh thiết. Nếu bệnh phẩm sinh thiết màng phổi được xác định là tổn thương ác tính sẽ được thực hiện nhuộm hóa mô miễn dịch để xác định tổn thương đó có phải do nguồn gốc UTP di căn đến hay không.
4. Chọc hút dịch màng phổi, màng tim: Là phương pháp đưa kim qua khe liên sườn vào khoang màng phổi hút lấy dịch màng phổi hoặc đưa kìm vào khoang màng tim để lấy dịch màng tim. Bệnh phẩm dịch màng phổi, màng tim sẽ được quay ly tâm lấy phần cặn của dịch để đúc nến, lúc này bệnh phẩm dịch có giá trị giúp các bác sĩ giải phẫu bệnh chẩn đoán xác định ung thư tương đương như bệnh phẩm sinh thiết mô của khối u sau đó thực hiện kỹ thuật nhuộm hóa mô miễn dịch xác định nguồn gốc ung thư có phải của phổi hay không.
5. Sinh thiết hạch ngoại vi (hạch cổ, thượng đòn, nách): là những hạch ngoại vi nghi ngờ UTP di căn đến. Trong trường hợp không thể tiếp cận các hướng chẩn đoán khác thì có thể thực hiện tiểu phẫu lấy hạch ngoại vi với mục đích lấy bệnh phẩm để xét nghiệm giải phẫu bệnh xem các hạch đó có phải hạch di căn ác tính. Nếu các hạch ngoại vi đó xác định là hạch di căn ung thư chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện kỹ thuật nhuộm hóa mô miễn dịch xác định nguồn gốc UTP.
Lời khuyên: Nếu như không may bạn bị mắc UTP thì cũng chưa phải là dấu chấm hết.
Mặc dù cho đến nay UTP vẫn là một trong số bệnh ung thư phổ biến hàng đầu trong các loại bệnh ung thư, có tỷ lệ mắc cũng như tỷ lệ tử vong khá cao tuy nhiên với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày nay UTP đã có rất nhiều mô thức điều trị từ phẫu thuật, tia xạ, hóa chất cho đến các mô thức điều trị theo cá thể như điều trị nhắm đích, điều trị miễn dịch và đặc biệt sự phối hợp đa mô thức điều trị trong UTP cũng rất đa dạng đã mang lại hiệu quả điều trị rất tích cực kéo dài sự sống và chất lượng sống cho người bệnh.
Việc tầm soát phát hiện sớm UTP là vô cùng quan trọng trên cơ sở đó sẽ giúp cho việc điều trị đạt được kết quả tốt hơn rất nhiều. Do vậy hàng năm chúng ta cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ tầm soát phát hiện sớm ung thư đặc biệt những người có yếu tố nguy cơ cao.
Bệnh viện 71 Trung ương là một trong các Bệnh viện hạng I trên cả nước về bệnh lý phổi nói chung và bệnh ung thư phổi nói riêng với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, thực hiện hầu hết các kỹ thuật cao, hiện đại để tầm soát và chẩn đoán sớm UTP, có thể thực hiện một số các mô thức điều trị bao gồm hóa chất, điều trị nhắm đích, …đã mang lại rất nhiều hy vọng sống cho người bệnh.
Tài liệu tham khảo
- Rivera MP, Mehta AC, Wahidi MM. Establishing the diagnosis of lung cancer: Diagnosis and management of lung cancer, 3rd ed: American College of Chest Physicians evidence-based clinical practice guidelines. Chest 2013; 143:e142S.
- Ost DE, Yeung SC, Tanoue LT, Gould MK. Clinical and organizational factors in the initial evaluation of patients with lung cancer: Diagnosis and management of lung cancer, 3rd ed: American College of Chest Physicians evidence-based clinical practice guidelines. Chest 2013; 143:e121S.
0 Lời bình