Viêm gân là một bệnh lý của gân và là nguyên nhân gây đau. Viêm gân thường xuất hiện trong các trường hợp: viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, rối loạn chuyển hóa, thoái hóa gân do tuổi già, các hoạt động quá mức do nghề nghiệp, chấn thương trực tiếp, co cơ quá mức, đột ngột, cử động sai tư thế, vi chấn thương …
Khi bị viêm gân, người bệnh thường đau ở vị trí gân bị tổn thương, đau khu trú tại chỗ, ít lan xa, đau liên tục cả ngày và đêm, đau tăng khi cử động. Vùng tổn thương có thể đỏ và sưng nề, ấn tại chỗ rất đau, làm các động tác co cơ chủ động của gân làm đau tăng lên.
Hầu hết các trường hợp viêm bao gân và viêm bao hoạt dịch điều trị nội khoa bằng thuốc uống (kê đơn). Tuy nhiên phương pháp này đều có thể tái phát và diễn biến mạn tính, ngoài ra việc dùng thuốc lâu ngày sẽ dẫn đến các bệnh lý về dạ dày.
(Hình ảnh: Tiêm viêm gân dạng dài ngón cái và duỗi ngắn ngón cái dưới hướng dẫn siêu âm)
(Hình ảnh: Viêm gân dạng duỗi ngắn và dạng dài ngón cái – Hội chứng De Quervain)
(Hình ảnh: Viêm đầu dài gân nhị đầu)
(Hình ảnh: Viêm gân cơ trên gai chop xoay)
(Hình ảnh: Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay)
Hiện nay, kỹ thuật tiêm điểm bám gân là giải pháp hữu hiệu cho người bệnh viêm gân. Người bệnh Nguyễn T. G, sinh năm 1972, trú tại phường Quảng Đông, Tp. Thanh Hóa ở nhà xuất hiện sưng, đau vị trí khuỷu tay phải lan xuống mu cổ tay, hạn chế vận động các động tác gấp duỗi cẳng tay phải kéo dài 4 tháng nay, ảnh hưởng nhiều đến lao động và sinh hoạt hàng ngày. Người bệnh vào Bệnh viện 71 Trung ương thăm khám và được các bác sĩ chẩn đoán viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài cánh tay phải, chỉ định điều trị tại viện. Tại khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, ngoài áp dụng các kỹ thuật chuyên khoa vật lý trị liệu, phục hồi chức năng như: Xoa bóp, điện phân, sóng ngắn, tập các bài tập làm căng cơ để tăng sức chịu đựng và cải thiện gân, người bệnh được bác sĩ chỉ định tiêm điểm bám gân bằng thuốc giảm đau, chống viêm dưới hướng dẫn của siêu âm. Sau 3 ngày điều trị, người bệnh đã đỡ đau, cử động tay dễ dàng hơn.
Theo BSCKII. Lê Thị Tuyết – Trưởng Khoa Y học cổ truyền & PHCN, Bệnh viện 71 Trung ương, kỹ thuật tiêm điểm bám gân là kỹ thuật đưa thuốc vào điểm bám gân để chữa các tổn thương màng hoạt dịch gân, mô quanh gân, nơi bám tận gân. Kỹ thuật này giúp chống viêm và giảm đau nhanh, chi phí điều trị thấp, rút ngắn thời gian điều trị, nhiều trường hợp người bệnh không phải nằm viện điều trị.
Đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao, được đào tạo kỹ thuật tiêm nội khớp; kỹ thuật được thực hiện nghiêm ngặt chỉ định, chống chỉ định, tiêu chuẩn phòng tiêm vô khuẩn. Tại Bệnh viện 71 Trung ương, kỹ thuật tiêm khớp và phần mềm quanh khớp dưới hướng dẫn của siêu âm đã được áp dụng triển khai thường quy, chuẩn mực trong lĩnh vực điều trị khớp học từ nhiều năm nay và ngày càng chứng minh đây là một phương pháp điều trị an toàn, có hiệu quả và chi phí thấp trong điều trị tại chỗ một số bệnh lý cơ xương khớp.
Tại Bệnh viện 71 Trung ương, các chế phẩm thường dùng là tiêm corticoid tại chỗ với mục đích là đưa corticoid nồng độ cao tới vị trí gân, bao gân bị viêm. Khi tiến hành tiêm corticoid tại chỗ phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối.
- Hydrocortison acetat ( Nồng độ 1ml/25mg) là loại tác dụng nhanh, thời gian bán hủy ngắn. Liều cho 1 lần tiêm quanh khớp từ 5-12,5mg (0,2-0,5ml) tùy vị trí tiêm. Tiêm không quá 3 lần cho một đợt điều trị, mỗi mũi cách nhay 3-4 ngày, mỗi năm không quá 3 đợt.
- Depo-Medrol (Methylprednisolon acetat, nồng độ 1ml/40mg) có tác dụng kéo dài. Liều cho một lần tiêm cạnh khớp từ 8-20mg/1 lần (0,2-0,5ml/1 lần) tùy thuộc vào vị trí, mỗi mũi cách nhau 7-10 ngày không quá 2 lần trong một đợt, mỗi đợt cách nhau 3-6 tháng, mỗi năm không quá 3 đợt.
- Diprospan (Betamethasone dipropionate: 5mg; Betamethasone sodium phosphate: 2mg/ml): là loại tác dụng kéo dài. Liều cho một lần tiêm cạnh khớp từ 0,2-0,5ml/1 lần tùy thuộc vị trí, mỗi mũi cách nhau 7-10 ngày, không quá 2 lần trong một đợt điều trị, mỗi đợt cách nhau 3-6 tháng, mỗi năm không quá 3 đợt.
Chống chỉ định tuyệt đối tiêm corticoid tại chỗ: Các tổn thương do nhiễm khuẩn, nấm hoặc chưa loại trừ được nhiễm khuẩn (chống chỉ định). Tổn thương nhiễm trùng trên hoặc gần vị trí tiêm. Chống chỉ định tương đối tiêm corticoid tại chỗ: tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm loét dạ dày tá tràng, phải điều trị và theo dõi trước và sau tiêm. Đạng dùng thuốc chống đông hoặc có rối loạn đông máu.
Các biến chứng do tiêm corticoid tại chỗ là rất ít nhưng có thể xảy ra gồm: Đau sau tiêm vài giờ, có thể kéo dài một vài ngày, thường hay gặp sau tiêm mũi đầu tiên. Nhiễm trùng do không vô khuẩn vị trí tiêm. Đứt gân do viêm vào trong gân. Teo da tại chỗ tiêm, bạch biến.
Để phòng bệnh viêm gân, BSCKII. Lê Thị Tuyết khuyến cáo: Người dân cần có chế độ tập luyện thể dục thể thao hợp lý và đúng cách. Trước khi luyện tập luôn nhớ làm các động tác khởi động nhẹ nhàng để làm ấm, mềm các cơ, gân, chuẩn bị cho gân cơ bước vào hoạt động có hiệu quả. Bài tập thể lực cần tăng dần về số lượng và độ khó. Sau khi tập xong cũng cần có thời gian xoa bóp, nghỉ ngơi làm giãn cơ. Cần tránh làm các động tác nâng tay lên cao quá vai liên tục trong thời gian dài để tránh viêm gân vùng vai. Phụ nữ nên hạn chế đi giày cao gót, không nên đi trong thời gian dài. Nên ngâm chân nước muối gừng cuối ngày, đồng thời xoa bóp cơ cẳng chân để bảo dưỡng đôi chân. Phụ nữ sau khi sinh tránh bế con liên tục hay mang vác sớm để phòng ngừa viêm gân vùng cổ tay. Những người cao tuổi cần tránh mang vác nặng, tránh leo cầu thang nhiều, tránh ngã. Khi có dấu hiệu viêm gân, cần đến cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị kịp thời./.
0 Lời bình