Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, lao là một trong số 10 bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu. Năm 2021, toàn cầu có khoảng 10,6 triệu người mắc bệnh lao (tăng 4,5% so với năm 2020), 1,6 triệu người chết vì bệnh lao, khoảng ¼ dân số nhiễm lao tiềm ẩn (LTA) và có từ 5 – 10% sẽ tiến triển thành bệnh lao. Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11/30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, ước tính có khoảng 170.000 người mắc bệnh lao, tuy nhiên mỗi năm chỉ có khoảng trên 100.000 bệnh nhân lao được phát hiện và đăng ký điều trị. Một trong những nguyên nhân Việt Nam hiện chưa thể kiểm soát được dịch tễ lao là tỷ lệ nhiễm LTA hiện chiếm khoảng 40%.
Quản lý và điều trị tốt LTA là một trong những biện pháp quan trọng để phòng bệnh lao. Các nghiên cứu cho thấy, hoàn thành điều trị LTA có thể giảm nguy cơ mắc bệnh lao tới 80% – 90%. Do đó, việc tăng cường phát hiện, đưa người bệnh LTA vào quản lý điều trị là yếu tố then chốt để kiểm soát cũng như giảm thiểu nguy cơ phát triển thành bệnh lao, giảm tỷ lệ tử vong vì bệnh lao trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt đối với nhóm nguy cơ cao và những người tiếp xúc gần với người bệnh lao.
Bác sỹ đang khám sàng lọc lao tiềm ẩn cho người có nguy cơ cao
I. LAO TIỀM ẨN LÀ GÌ: là tình trạng cơ thể người có đáp ứng miễn dịch với kháng nguyên của trực khuẩn gây bệnh lao ở người nhưng chưa có dấu hiệu lâm sàng – cận lâm sàng nào cho thấy bệnh lao hoạt động.
II. CÁC NHÓM ĐỐI TƯỢNG CẦN KHÁM PHÁT HIỆN VÀ ĐIỀU TRỊ LTA: Một số người có nguy cơ cao chuyển từ nhiễm lao thành bệnh lao như:
1. Nhóm những người tiếp xúc gần/thường xuyên với người bệnh lao phổi:
– Trẻ dưới 5 tuổi tiếp xúc hộ gia đình với người bệnh lao phổi
– Người từ 5 tuổi trở lên tiếp xúc hộ gia đình với người bệnh lao phổi
– Nhân viên y tế làm việc tại các đơn vị phòng chống lao hoặc các cơ sở y tế có người bệnh lao đến khám.
– Cán bộ quản giáo, nhân viên làm việc tại các trại giam, trại giáo dưỡng
2. Nhóm người có các yếu tố nguy cơ cao:
– Người có HIV mọi lứa tuổi
– Bệnh nhân bụi phổi
– Bệnh nhân đái tháo đường
– Bệnh nhân suy thận, chạy thận nhân tạo
– Bệnh nhân cấy ghép tạng và những người chuẩn bị cấy ghép tạng
– Bệnh nhân điều trị ức chễ miễn dịch kéo dài (bệnh hệ thống vd: lupus, viêm khớp dạng thấp, vẩy nến,…)
– Bệnh nhân điều trị thuốc sinh học (anti-TNF)
III. CHẨN ĐOÁN LAO TIỀM ẨN: Chẩn đoán LTA dựa trên 2 yếu tố:
1) xét nghiệm Mantoux hoặc IGRA dương tính.
2) loại trừ được mắc lao hoạt động qua khám lâm sàng, Xquang phổi, xét nghiệm đờm hoặc dấu hiệu bất thường ở các cơ quan ngoài phổi nghi lao.
1. Xét nghiệm xác định nhiễm lao tại Bệnh viện 71 TW:
1.1. Xét nghiệm Mantoux (hay còn gọi là TST: Tuberculin Skil Test)
(Hình ảnh: Phản ứng Mantoux dương tính)
1.2. Xét nghiệm định lượng Interferon gamma – Xét nghiệm IGRA ((Interferon-Gamma Release Assay). Hiện nay có hai loại xét nghiệm IGRA được sử dụng bao gồm:
– T-SPOT® TB test
– QuantiFERON®-TB Gold Plus (QFT-Plus)
2. Loại trừ mắc lao hoạt động:
2.1. Với người có HIV mọi lứa tuổi có thể sử dụng tập hợp 4 triệu chứng: ho, sốt, ra mồ hôi đêm và sút cân hoặc trẻ không tăng cân để loại trừ lao hoạt động. Nếu không có cả 4 triệu chứng trên thì hiện tại coi là không mắc lao hoạt động.
2.2. Đối với những người tiếp xúc hộ gia đình có BN lao phổi cần loại trừ lao bằng khám lâm sàng và chụp Xquang phổi và những thăm dò cần thiết khác.
IV. QUY TRÌNH KHÁM PHÁT HIỆN, CHẨN ĐOÁN LAO TIỀM ẨN
1. Quy trình khám phát hiện và quản lý lao tiềm ẩn cho trẻ tiếp xúc <5 tuổi và người có HIV mọi lứa tuổi.
2. Quy trình khám phát hiện và quản lý lao tiềm ẩn cho người tiếp xúc >= 5 tuổi và cho người có nguy cơ cao khác trừ người HIV (+)
IV. ĐIỀU TRỊ LAO TIỀM ẨN: Dưới đây là các phác đồ điều trị LTA được khuyến cáo bởi Tổ chức Y tế Thế giới:
Phác đồ 9H (Điều trị hàng ngày bằng Isoniazid trong thời gian 9 tháng): Áp dụng cho người
Phác đồ 6H (Điều trị hàng ngày bằng Isoniazid trong thời gian 6 tháng):Chỉ định cho trẻ em dưới 15 tuổi
Phác đồ 3RH (Điều trị hàng ngày bằng Isoniazid và Rifampicin trong thời gian 3 tháng): Chỉ định cho người lớn và trẻ em (dưới 15 tuổi)
Phác đồ 3HP (Điều trị hàng tuần bằng Isoniazid và Rifapentin trong thời gian 12 tuần (12 liều)?: Chỉ định cho người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên:
Bác sĩ sẽ lựa chọn và chỉ định phác đồ điều trị lao tiềm ẩn thích hợp cho từng BN dựa vào: Kết quả kháng sinh đồ của BN lao định hướng (nếu có), các bệnh đồng mắc, khả năng tương tác thuốc-thuốc, tình trạng dị ứng thuốc hoặc phản ứng với thuốc, bạn có đang mang thai không.
Theo TTUT.ThS.BSCK2: Hoàng Văn Ngọc – Phó giám đốc Bệnh viện nhấn mạnh: “Tương tự như chuẩn bị liệu trình điều trị cho người bệnh lao tiến triển, trước khi điều trị lao tiềm ẩn, bác sỹ và điều dưỡng nên chú ý thực hiện giáo dục sức khoẻ cho người bệnh và người nhà được biết để người bệnh phối hợp và tuân thủ điều trị, như thế thì điều trị mới thực sự hiệu quả. Công tác tư vấn giáo dục sức khỏe trước khi điều trị cho người bệnh LTA cần nhấn mạnh đến các vấn đề như:
– Người bệnh đã nhiễm vi khuẩn lao, vi khuẩn trong cơ thể có thể nhân lên và gây bệnh khi cơ thể yếu đi
– Hoàn thành điều trị lao tiềm ẩn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh lao tới 90%
– BN cần uống thuốc đủ liệu trình, đều đặn và đúng liều lượng theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc để đảm bảo hiệu quả điều trị
– Giới thiệu các thông tin về phản ứng bất lợi có thể gặp trong điều trị cũng như đề nghị BN nên liên hệ ngay với nơi điều trị nếu như có bất kỳ vấn đề gì xảy ra liên quan đến điều trị LTA.
– Điều trị lao tiềm ẩn chỉ dùng 1 đến 2 loại thuốc trong khi điều trị bệnh lao phải dùng ít nhất 4 loại thuốc.
– Hậu quả của việc bỏ trị, không tuân thủ điều trị
Công tác khám sàng lọc và quản lý triều trị LTA là hoạt động quan trọng của Bệnh viện 71 Trung ương trong thời gian tới nhằm hưởng ứng tích cực mục tiêu chương trình hành động Quốc gia chấm dứt bệnh Lao vào năm 2035. Thông qua công tác khám sàng lọc lao tiềm ẩn giúp người dân nói chung đặc biệt là người có nguy cơ cao kịp thời phát hiện và điều trị bệnh, góp phần tuyên truyền và nâng cao nhận thức phòng chống bệnh tật trong cộng đồng.
0 Lời bình